Chuyên mục  


Trước đây, nhiều vụ việc đã xảy ra đều liên quan đến căn bệnh vô cảm của con người đã xảy ra. Cô gái bị tai nạn giao thông nhưng không được người đi đường cứu giúp, dẫn đến tử vong. Những vụ đánh ghen giật tóc xé váy đánh đập được sự hưởng ứng của đám đông. Những vụ bạo lực học đường cả 1 đám đông lao vào đánh 1 nữ sinh, những nam thanh nữ tú đứng ngoài cổ vũ và quay video... 

Cho đến sự việc xảy ra ngày 2/8 vừa qua, từ 1 đoạn livestream đăng trên mạng về hình ảnh 1 thanh niên bị đánh dã man và đẩy xuống sông ở Nhật Bản cho đến chết. Đáng nói hơn, nạn nhân và người livestream đều là người Việt, người cùng 1 dân tộc, ở nơi đất khách quê người. 

Đoạn livestream cho thấy có rất nhiều người xung quanh chứng kiến sự việc và thái độ của người livestream cho thấy 1 sự vô cảm cấp độ nặng, nếu không muốn nói là hành động quá vô lương tâm. 

Theo dõi hình ảnh trong đoạn clip cho thấy một nam thanh niên liên tục bị 1 người đàn ông khác dùng tay đẩy, dẫm đạp và hất nạn nhân xuống sông. Sau đó, nạn nhân liên tục chới với, dùng hai tay giơ lên để cầu cứu khi bị hất xuống sông. Tuy nhiên, cậu không nhận được sự giúp đỡ và đuối sức rồi tử vong sau đó.

Hình ảnh đau lòng về việc nam thanh niên Việt bị đánh và đẩy xuống sông đến chết ở Nhật Bản.

Điều đáng nói đoạn clip cho thấy sự chứng kiến của nhiều người trước sự việc này. Thanh niên quay lại sự việc còn thản nhiên nói: "Thằng kia lúc đầu can xong giờ không can nữa. Đúng rồi, đạp nó xuống", sau đó liên tục văng tục, chửi bậy. Trong clip cũng có giọng nói của 2 cô gái Việt khác.

Số đông khi xem clip đã rùng mình với sự vô cảm ở một đất nước được coi là văn minh như Nhật Bản và phẫn nộ với người cầm máy quay cảnh đồng bào mình bị hành hạ, thấy cái chết không cứu. Khi sự việc đang diễn ra ngay trước mặt, thay vì chạy tới hoặc tìm cách cứu giúp nạn nhân, thì họ lại có thể bình thản quay lại sự việc bằng 1 giọng bình luận đầy tàn nhẫn. 

Nạn nhân được xác định là 1 chàng trai trẻ 22 tuổi ở Hải Phòng, lúc trước vẫn gọi điện về cho mẹ. Và rồi khi bạn thân của nam thanh niên biết tin dữ bạn mình không qua khỏi đã thay ảnh đại diện chuyển sang màu đen. Mẹ nam thanh niên không biết chuyện hoặc linh tính chuyện chẳng lành còn bình luận hỏi ai bị làm sao vậy?

Trước đó vài tiếng như có một dự cảm chẳng lành, người mẹ đã thay ảnh đại diện là hình cỏ may mắn, điều này chỉ có bản năng làm mẹ mới lý giải được. Thế nhưng không có phép màu nào xay ra, chàng trai ấy đã rời xa mẹ, không 1 lời từ biệt theo cách cậu không thể ngờ.

Dân tộc Việt Nam vốn từ xưa có truyền thống “Thương người như thể thương thân”, nhưng nghịch lý con người sống dửng dưng lạnh nhạt với nhau lại xảy ra trong xã hội hiện đại ngày càng nhiều hơn. 

Cùng với nạn bạo lực và sự suy thoái đạo đức đang có chiều hướng gia tăng thì thói vô cảm cũng đang lây lan nhanh chóng. Ðó là khi tâm hồn con người trở nên trơ lỳ, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, vô tình với mọi người xung quanh, không có cảm xúc, không có tình thương yêu và sự sẻ chia, giúp đỡ với cộng đồng. Biểu hiện cao độ cho căn bệnh này là lối sống ích kỷ và thực dụng "mạnh ai nấy sống".

Và ở hành vi như việc bình tĩnh quay livestream, thấy người chết không cứu, thậm chí có lời bình luận phản cảm này thì căn bệnh này đã ở cấp độ nặng. Họ quên trách nhiệm cứu giúp người gặp nạn và dửng dưng quay phim, thậm chí còn bình luận cổ vũ. Họ không biết động lòng trước nỗi đau của người khác, không phẫn nộ trước những hành động xấu đang diễn ra trước mắt mình.

Cảnh sát đang điều tra vụ việc.

PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Các khoa học giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), từng cho rằng để "chữa bệnh" vô cảm cần bắt đầu từ việc "giáo dục cho trẻ em ý thức trách nhiệm, bổn phận với cộng đồng, mọi người phải biết giúp đỡ, yêu thương nhau".

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học VN, cũng từng lên tiếng trước đây: "Bệnh vô cảm rất gần với lòng tham, tội ác, trong khi chúng ta chưa xây dựng được hệ giá trị, luật pháp phải đi trước một bước, phải là công cụ điều chỉnh hành vi của con người. Những người vô cảm phải bị trả giá bằng sự lên án của xã hội, sự trừng phạt về đạo đức hoặc bằng hình phạt lao động công ích…".

Thói vô cảm đã xuất hiện thường xuyên hơn trong cuộc sống hằng ngày qua sự thờ ơ đến lạnh lùng, bỏ mặc nạn nhân của không ít người trước các vụ tai nạn giao thông thương tâm. Thậm chí khá đông người còn xúm vào xem 1 vụ ai đó bị tấn công hội đồng mà chẳng ai ra tay can ngăn. Và đến giờ cho đến hành động của vụ việc đau lòng nayf.

Máu thịt là của người khác không phải là của mình ư? Bạn có chắc ngày hôm nay, máu thịt là của kẻ lạ, nhưng ai dám chắc 1 ngày nạn nhân không phải là người thân thiết trong gia đình hay là chính mình? Hãy cứ cười đùa và rửng rưng, thậm chí ấn nút quay video hay livestream để đổi sự nổi tiếng và những cái like vô tri.

Lúc đó chắc chỉ có kẻ hám danh muốn khẳng định rằng: "Tôi là người chứng kiến. Ở ngay thời khắc đó, tôi là người quay clip", chứ không có những con người có lương tâm hiện diện ở đó. Nhưng nào ngờ sự lạnh lùng vô cảm đến tàn nhẫn của bạn đổi lại bằng 1 cơn cuồng nộ từ cộng đồng dành cho những kẻ "máu lạnh".

Ðiều đáng lo ngại hơn khi thói vô cảm, dửng dưng với cái ác, cái xấu đang len lỏi và thể hiện trong lối sống của không ít bạn trẻ. Thế giới ảo của những nút like khiến cho người ta cứ chạy theo như con thiêu thân mà quên mất bù đắp phần thiếu, phần rỗng tuếch trong tâm hồn mình. Sự trắc ẩn của lương tri bạn đã cho chúng uống thuốc ngủ và đánh thức dậy sự phù phiếm mà bạn đang chạy theo từ cái danh ảo trên MXH.

Xã hội hiện đại nhiều người quan tâm đến nút like từ MXH hơn những cảm xúc thật cần có từ trái tim con người.

Vì sao vậy?

Cũng có khi là phần thiếu hụt của tuổi thơ. Nơi nhiều gia đình, cha mẹ đã quá bận rộn mà quên nói với con về tình yêu thương, về cách đối nhân xử thế, về phần hồn cần được tu dưỡng còn hơn cả việc học. Thái độ chiều chuộng con cái quá mức khi muốn gì có nấy đã tạo ra sự ích kỷ và vô tâm để bạn thờ ơ với tội ác, không biết rung cảm trước những điều tốt đẹp và biến mình thành những kẻ lạnh lùng đến đáng sợ.

Hoặc cũng có khi phần thiếu của những người lớn với nhau khi quá chạy theo những sân si để ganh ghét, ti hiềm và đua chen khiến con cái bạn không có lấy 1 tấm gương tử tế gần nhất để học hỏi. 

Có khi nữa nhà trường với phong trào của điểm số, của những cuộc chạy đua thành tích đã khiến cho môi trường giáo dục ít đi tính nhân văn. 

Mạng xã hội nơi con người ngày ngày lên hóng phốt và đọc các vụ thảm án bằng sự tò mò, mà ít dần đi những gương người tốt việc tốt. Đó cũng có thể là 1 môi trường cho những clip, những lần livestream vô lương như thế kia có chỗ sống sót. 

Những thế hệ trẻ khoe mức thu nhập nhiều con số, khoe nhà, khoe xe, khoe sự hưởng thụ nhiều hơn những đóng góp dù nhỏ nhặt trong cuộc sống, quên mất đạo đức quan trọng hơn số like. Quên mất việc không ngừng tư dưỡng "kích hoạt" lòng nhân ái và tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước cái xấu và cái ác luôn là việc cần thiết trong đời sống này.

Ngày hôm nay là 1 lần livestream vô cảm, nhưng người bạn kia ơi, bạn có nghĩ rằng mình đang vô tình tiếp tay cho cái ác để dìm chết 1 mạng người. Bạn là thực sự đang là "kẻ tội phạm", trước tiên của chính tòa án lương tâm mình đấy!

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020