Lời lẽ phản cảm, hành động khiếm nhã gây bức xúc
Gần đây, video với chủ đề người nghèo ăn gì của TikToker có tên Nờ Ô Nô đã sử dụng những lời lẽ khó nghe khi giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Anh đã tới và hỏi thăm một bà lão ngồi dưới trạm dừng xe buýt và tỏ ý muốn mua cho bà một món ăn mà bà thích.
Điều đáng chú ý là tên gọi của chuỗi video này là "Người nghèo ăn gì mình cho ăn đó". Ngoài ra, nam TikToker còn sử dụng thêm những từ ngữ không chuẩn mực để trò chuyện cùng bà cụ: "Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn" hay "nghèo mà còn chê đồ ăn", "bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu"…
Một số người cũng lên tiếng phê phán thái độ và lời nói không chuẩn mực của Nờ Ô Nô (Ảnh chụp màn hình).
Gen Z nổi tiếng Hà Việt Hoàng lên tiếng phản đối content "bẩn". (Ảnh chụp màn hình)
Chia sẻ với PV Dân trí, bạn Trần Thiên Hà Mi (21 tuổi) cho biết: "Mình đã thực sự bàng hoàng vì phát ngôn nhạy cảm, thiếu nhân văn của nam TikToker. Theo cảm nhận riêng của mình, bạn này đang cố tỏ ra mình hài hước nhưng thực chất là lố lăng, thiếu lịch sự và sự tôn trọng với người đối diện cũng như khán giả".
Bạn Nguyễn Đức Nghĩa (20 tuổi) cảm thấy rằng cả về hình thức lẫn nội dung của video này là trái đạo đức và vô tâm. "Đoạn video này hầu như không truyền tải được thông điệp tương thân tương ái, trợ giúp người túng thiếu, vô gia cư mà chỉ tạo cảm giác những nhân vật có hoàn cảnh khó khăn kia đang bị lợi dụng.
Họ bị mang ra để thu hút lượt tương tác trên nền tảng mạng xã hội TikTok và cũng chính họ chịu tổn thương".
Bên cạnh đó, nhiều người cũng lên tiếng phê phán hành động khiếm nhã, thiếu suy nghĩ của nam TikToker Nờ Ô Nô này như streamer Xemesis, ViruSs, Hà Việt Hoàng…
Tại sao video kém chất lượng lại thu hút nhiều sự quan tâm?
Hiện nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các nội dung sáng tạo ngày một trở nên đa dạng hơn. Không ai có thể phủ nhận lượng thông tin có ích tới người dùng được đăng tải lên mạng xã hội mỗi ngày. Thế nhưng, những video chứa nội dung không lành mạnh cũng chiếm một lượng không nhỏ, thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo công chúng.
"Thực ra, nhiều video có nội dung tốt vẫn có thể thu hút được sự ủng hộ của xã hội nhưng có xu hướng ít hơn. Ví dụ như có 10 video việc tốt thì phải có 01 video về nội dung này thực sự ấn tượng mới có thể bật lên được. Tuy nhiên, video việc xấu dễ tạo ra tranh cãi, khiến dư luận phẫn nộ.
Mọi người sẽ bình luận phê phán hoặc chia sẻ lại để cảnh báo tới nhiều người hơn hay chia sẻ cảm nhận của bản thân về vấn đề đó. Những việc này đã khiến cho video có nội dung xấu kia lại càng được lan tỏa rộng hơn những video có nội dung tích cực", Hà Mi bày tỏ.
Hà Mi nghĩ rằng: "Giới trẻ ngày nay, nhiều người muốn được nổi tiếng trên mạng xã hội. Nổi bằng danh tiếng thì khó nhưng tai tiếng thì dễ nên càng ngày càng có nhiều người tạo ra những nội dung gây tranh cãi trên mạng xã hội" (Ảnh: NVCC).Theo Đức Nghĩa, cách tiếp cận làm video ngắn thịnh hành hiện nay cũng là một lý do khiến những video kém chất lượng tiếp cận nhiều người hơn. "Tận dụng lỗ hổng trong việc tiếp thu nội dung từ các nền tảng chưa có chọn lọc hay chất lượng thấp của người dùng, nhiều người làm video kém chất lượng để "câu view" kiếm lợi nhuận.
Các video có nội dung lố lăng, phản cảm xuất hiện rất nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người còn bất chấp dư luận, hậu quả về chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội, thậm chí cố tình "xé rào" quy định pháp luật miễn sao đạt được mục đích đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem.
Chính điều này cần đòi hỏi mỗi người dùng mạng xã hội phải tỉnh táo và biết cách chọn lọc những nội dung chất lượng và đáng xem.
Các video có nội dung kém chất lượng, phản cảm cần được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn để vừa định hình lại "hình thù" của nghề sáng tạo, vừa tạo sân chơi lành mạnh hơn để các nhà sáng tạo khác có tâm và chất lượng cao hơn thể hiện bản thân".
Theo Đức Nghĩa: "Việc ngăn cản sự xuất hiện của những video không lành mạnh không hề dễ dàng, chính vì thế, mỗi người cần tỉnh táo, học cách "tự vệ" trước các nội dung lệch lạc này" (Ảnh: NVCC).Đứng trước những video có nội dung độc hại, kém chất lượng, Nghĩa thường kêu gọi mọi người báo cáo video có nội dung phản cảm, gây bức xúc. Với cậu, đây là cách hữu hiệu nhất và hạn chế sự tiếp cận của các nội dung này đến với đông đảo người dùng khác.
Hành động này được cho là trực tiếp gây ảnh hưởng tới người làm video, buộc họ phải thay đổi nội dung phù hợp thay chỉ vì bình luận phản đối, gây ra hiệu ứng ngược.