Bản chất của việc muốn được người khác thừa nhận là lấy sự công nhận của xã hội để xóa bỏ cảm giác tự ti, cải thiện lòng tự tin. Và từ trạng thái cảm nhận được cái tôi của bản thân để tìm thấy giá trị, sau đó tìm kiếm thêm nhiều sự thừa nhận để trở thành một tấm gương trong mắt người khác.
1. Có được hạnh phúc từ sự thừa nhận của người khác
Trong cuộc sống, sự thừa nhận tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và phụ thuộc vào mục đích của con người. Thi thố đạt thành tích tốt, đây là điều kiện để được bố mẹ tán dương. Thi đại học vào trường danh tiếng, đây là tiền đề để được gia đình và bạn bè công nhận. Tìm được công việc lương cao, đây là tiền đề của một cuộc sống ổn định để mọi người thừa nhận.
Chúng ta tìm được cảm giác thỏa mãn khi được người khác thừa nhận, sử dụng năng lực của bản thân để đáp ứng yêu cầu của người khác, từ đó chúng ta có được cảm giác.. có thành tựu.
Trên thực tế, việc phán đoán những gì mà người khác mong đợi ở mình thật sự không phải là chuyện khó khăn. Ngược lại, thật khó để chúng ta có thể sống bằng cách mà chúng ta yêu thích. Bản thân mong đợi vào điều gì, muốn trở thành người như thế nào, hy vọng cuộc sống của mình ra sao,… những thứ này rất khó để có thể xác định được.
Đồng thời, bố mẹ hoặc thầy cô lại cho thêm chút đông lực "trường này tốt lắm", "tìm một công việc ổn định",... những thứ này vô hình trung trở thành một loại trách nhiệm cần phải hoàn thành.
Câu nói muôn thuở "vì tốt cho tương lai của con nên mới hy vọng con như vậy" lại trở thành áp lực đè nặng lên tinh thần chúng ta, vậy nên câu phản bác "muốn làm những chuyện mình thích" không thể thoát ra khỏi cửa miệng.
Thật vậy! Nghe theo sự sắp đặt của người khác, đi theo con đường đã định sẵn lối để được thừa nhận. Mặc dù bạn có thể bất mãn, nhưng sẽ không lầm đường lạc lối, cho dù có phạm sai lầm thì cũng có thể "hất nồi" đổ lỗi cho người khác: "Con chỉ làm theo sự mong muốn của mọi người mà thôi!"
Nhưng cứ sống như vậy thì bạn rốt cuộc là đang sống cho cuộc đời của ai? Bạn tồn tại chỉ vì muốn được công nhận thôi sao?
2. Hãy tự chịu trách nhiệm cho bài toán của đời mình
Cuộc đời là bài toán của riêng mỗi người. Nếu cứ thả mình vô định, dựa dẫm vào người khác để tìm đến kết quả thì cho dù có sống bao nhiêu năm cũng không thể trưởng thành được.
Lấy một ví dụ đơn giản: Việc học là trách nhiệm của ai?
Nhiều người lầm tưởng rằng học hành là trách nhiệm của bố mẹ phải chỉ hướng cho con cái và là công lao của bố mẹ khi cho con cái ăn học. Khi thấy con mãi chơi, bố mẹ sẽ nói: "Lo học nghiêm túc CHO MẸ!".
Theo lý mà nói, cách nói này không nên và cũng không thể nói. Vì học hành hay không thì đến cùng vẫn là trách nhiệm của con cái tự mình đảm đương. Đây chính là bài toán của con cái.
Theo đó, cuộc đời chính là bài toán của riêng mỗi người. Cho dù người bên cạnh có giúp đỡ cho bạn, ra quyết định thay bạn, cuối cùng thì chỉ có bạn mới có thể chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.
3. Sự phê bình của người khác không liên quan đến giá trị của bạn
Cuộc đời là bài toán của riêng mỗi người. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Sống trên đời ít ai có thể không quan tâm đến lời phê bình hay nhận xét của người khác.
Có người cho dù làm bất kể chuyện gì nhưng vẫn không thể nhận được sự thừa nhận của người khác. Điều này khiến họ nảy sinh cảm giác bất an và chỉ biết hy vọng có người đến nhận xét và phê bình họ để thỏa mãn sự khát khao được thừa nhận. Nếu không như vậy thì dường như họ sẽ không thể tìm được giá trị của bản thân.
Thế nhưng, những lời phê bình của người khác không liên quan gì đến giá trị của bạn. Ví như trả lời đúng câu hỏi của thầy cô giáo, được tán dương nên cảm thấy vui vẻ; bị người mình thích chán ghét và rồi tâm trạng sa sút,… Nhưng những điều này chỉ là những yếu tố tác động bên ngoài mà thôi. Giá trị của bạn không thể tăng lên hay giảm đi vì sự phê bình của người khác.
Đến đây, bạn có thể hiểu được: Cuộc đời là bài toán của riêng mỗi người. Sự thừa nhận của người khác không liên quan đến giá trị của bản thân.
Vậy thì làm sao để thay đổi được tư tưởng lệch lạc này?
4. Tìm được những gì mà bản thân mong muốn
Thay vì cứ trầm mê lạc lối, không biết làm cách nào tìm được giá trị của bản thân thì hãy cố gắng nghĩ ra được những gì mình muốn làm đi.
Chọn một buổi chiều trời trong xanh đầy nắng, pha một ly cà phê, lấy giấy viết ra những gì mà bản thân muốn, không cần suy nghĩ quá cặn kẽ chi tiết, không nên đắn đo chuyện này liệu có thành công hay không.
Muốn gì thì cứ liệt kê ra hết, ví dụ như trong vòng bao lâu đó kiếm được 100 triệu, 200 triệu chẳng hạn; hay là muốn du lịch vòng quanh thế giới, để lại dấu chân mình trên khắp mọi nơi;… Chỉ cần bạn muốn làm thì ước mơ có to tác đến mấy cũng không thành vấn đề.
Muốn cởi bỏ tư tưởng chỉ biết tìm kiếm sự thừa nhận của người khác thì bây giờ hãy thực hiện ngay một điều gì đó. Có thể giải xong bài toán trên lớp, có thể viết một bài tản mạn, có thể đọc quyển sách,… Mọi mục tiêu được hoàn thành cho dù có nhỏ nhất cũng trở thành mình chứng cho sự tiến bộ của bạn.
Chúng ta không thể sắp đặt những gì sẽ xảy ra cho ngày mai. Vậy thì hãy chuẩn bị sẵn sàng và vững bước để có thể bước đi xa hơn.
(Nguồn: Zhihu)