Câu chuyện gây xôn xao xảy ra ở thành phố Bijnor thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
Theo tờ Times of India, chú rể và đoàn rước lễ đã cố tình đến địa điểm tổ chức đám cưới vào giữa đêm thay vì có mặt vào đúng thời gian dự kiến là 2 giờ chiều khiến gia đình cô dâu giận dữ.
Được biết, mâu thuẫn giữa 2 gia đình vốn đã xảy ra từ lâu, do các yêu cầu liên tục về của hồi môn của gia đình chú rể và việc họ đến muộn chỉ là giọt nước tràn ly.
Ảnh minh hoạ
Trước đó 6 tuần, cặp đôi đã kết hôn không chính thức tại một đám cưới cộng đồng ở làng Nangaljat, theo cảnh sát. Tuy nhiên, cô dâu vẫn không muốn về nhà chồng cho đến khi một hôn lễ chính thức được cử hành.
Gia đình cô dâu cáo buộc chú rể và bố anh ta đòi một chiếc xe đạp và rất nhiều tiền mặt, những thứ họ không có đủ điều kiện để đáp ứng.
Về phần mình, gia đình chú rể cũng không vừa khi khẳng định đã bị họ hàng nhà cô dâu đánh đập, thậm chí nhốt trong một căn phòng để trì hoãn thời điểm có mặt tại nơi tổ chức đám cưới.
Cảnh sát cuối cùng đã được gọi đến để giải quyết vấn đề.
"Cả 2 gia đình đều đã đến gặp cảnh sát. Sau những tranh cãi ban đầu, hai bên cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, cô dâu không còn muốn đi cùng chú rể. Không có khiếu nại bằng văn bản nào từ hai phía," cảnh sát địa phương cho biết.
Vấn đề đã được giải quyết một cách ổn thỏa vào ngày hôm sau. Cô dâu sau đó đã kết hôn với một thanh niên địa phương khác, trước sự chứng kiến của người già trong làng.
Hủ tục đòi của hồi môn vẫn gây nhức nhối tại Ấn Độ
Hồi môn đã chính thức bị cấm ở Ấn Độ từ hơn 60 năm nay, nhưng tục lệ này vẫn tồn tại theo cách này hay cách khác. Không chỉ ở những vùng quê hẻo lánh, hồi môn vẫn là một phần không thể thiếu trong các cuộc hôn nhân ở những thành phố lớn.
Theo truyền thống, hồi môn là những phần quà bằng tiền mặt hoặc hàng hóa mà cha mẹ tặng cho con gái để giúp người phụ nữ được an toàn về mặt tài chính trong những năm đầu của hôn nhân.
Nhưng theo các chuyên gia, giờ đây gia đình nhà gái ở Ấn Độ phải chịu áp lực tặng tiền, vàng, nhà cửa và cả xe hơi cho nhà trai như một điều kiện để tổ chức đám cưới. Nhiều gia đình thật sự không hề cảm thấy dễ chịu với số lượng sính lễ lớn như vậy.
Ảnh minh hoạ
Truyền thống hồi môn của Ấn Độ bắt nguồn từ cách đây hàng thiên niên kỷ. Theo quy định của đạo Hindu, phụ nữ không có quyền thừa kế vì vậy họ được nhận của hồi môn đứng tên mình khi tiến tới hôn nhân.
Trải qua thời gian, tục lệ tạo ra cơ hội để nhà trai chèn ép nhà gái, cũng như góp phần vào tình trạng bạo lực gia tăng với phụ nữ. Nếu nhà trai không hài lòng với giá trị khoản hồi môn, cô dâu có thể phải chịu đựng sự hành hạ về tinh thần, thể xác và thậm chí có những cái chết liên quan đến việc này.
Vì lẽ đó, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra Đạo luật Cấm Hồi môn vào năm 1961, việc hồi môn là trái pháp luật và người nào vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù đến 5 năm.
Tuy nhiên việc triển khai đạo luật này không được tiến hành một cách hiệu quả. Và đến năm 1980, các nhà lập pháp phải siết chặt hơn khi cho phép nhà gái kiện người chồng hoặc các thành viên nhà trai nếu cái chết của người vợ có liên quan đến việc hồi môn. Nếu bị kết tội, bị cáo sẽ nhận án tù từ 7 năm đến chung thân.
Bất chấp những hình phạt cứng rắn hơn, phong tục hồi môn vẫn ăn sâu trong xã hội Ấn Độ, và trở thành một phần không thể thiếu của hôn nhân. Theo một nghiên cứu của World Bank, 95% trong số 40.000 đám cưới diễn ra ở vùng nông thôn Ấn Độ trong giai đoạn 1960-2008 đều có sự xuất hiện của phong tục này.
Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia của Ấn Độ ghi nhận gần 7.000 vụ giết người liên quan đến của hồi môn vào năm 2020, tức khoảng 19 phụ nữ mỗi ngày. Ngoài ra, hơn 1.700 phụ nữ cũng đã tự sát vào năm đó vì "các vấn đề liên quan đến của hồi môn". Dù vậy, các chuyên gia cho biết, số vụ việc thực tế cao hơn nhiều.
Cũng theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản là do sự chấp nhận rộng rãi của xã hội đối với bạo lực gia đình, khiến phụ nữ không đứng lên chống lại sự áp bức và hành hạ.
Các nhà hoạt động xã hội cho rằng, số lượng lớn các vụ án liên quan đến cái chết do hồi môn cho thấy quy định pháp luật rất kém hiệu quả, và tình trạng này đã tồn tại trong một thời gian dài.
"Về mặt pháp lý, việc hồi môn bị cấm, nhưng nó lại là hành vi được cả xã hội chấp nhận. Không ai cảm thấy việc nhận hoặc cho hồi môn là sai, bất kể luật pháp", bà Sandhya Pillai, cán bộ Trung tâm Nguồn lực Phụ nữ Sakhi ở bang Kerala, nhận định.
GĐXH - "Tôi không phải là một cô gái tuổi "teen" si tình, tôi đã 83 tuổi rồi", cụ bà chia sẻ.
GĐXH - Đòi hỏi quá đáng của mẹ vợ khiến chú rể sững sờ rồi đi đến quyết định hủy hôn khi đám cưới vẫn đang diễn ra.
Giảm hôi miệng nhờ những loại đồ uống quen thuộc hàng ngày