Ăn ở, lê la trên đường phố, sau 2 tháng bộ ảnh Thực trạng nước Mỹ của ông Phùng xuất hiện trên nhiều báo lớn quốc tế. Đó là vào năm 1998, mở đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của người đàn ông khi đó đã 66 tuổi.
Chiều tháng 11, ven hồ Gươm, cụ ông Quang Phùng, hiện 88 tuổi, tóc búi củ hành khập khiễng cầm chiếc máy ảnh cũ kỹ trở về nhà. Căn nhà chừng 30m2 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với những mảng tường bong tróc là nơi ở của 3 thế hệ. Trong nhà ông, 50 album ảnh chất cao gần 2 mét.
Thấy chồng ướt mèm, vợ ông lại lo lắng. Vì ông Phùng đã 3 lần bị đột quỵ nhưng vẫn mê chụp ảnh, lang thang khắp nơi. Ông bảo vợ "anh xin lỗi", cười tít mắt, rồi lại vào nhà xem ảnh.
|
Ông Phùng biết nhiều loại máy ảnh trên thế giới, kể cả những mẫu mới lẫn đồ cổ. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Làm ở Bộ Ngoại giao gần 30 năm, ông Phùng luôn có hứng thú về lịch sử và văn hóa các nước, đặc biệt là Mỹ. Ông ấp ủ sẽ một mình đi Mỹ khi về hưu.
Tháng 3/1998, sau khi thoát khỏi trận đột quỵ đầu tiên, ông lận lưng khoản tiết kiệm ít ỏi sang Mỹ. Điều đầu tiên đập vào mắt ông, một xã hội văn minh, phát triển, lại đầy người vô gia cư và các băng đảng. Người vô gia cư được nhà nước trợ cấp nhiều thứ, nên không cảm thấy khổ cực, thậm chí coi đó là tự do.
Ngồi trong công viên, ông bắt gặp cặp trai gái 15 tuổi bỏ nhà đi cùng nhau, miệng ngậm điếu thuốc. Ông vuốt râu, nghĩ "Không chụp được người vô gia cư với bọn trẻ lang thang này, qua Mỹ phí". Sau đó, suốt 2 tháng, ông đi lang thang gần 30 bang, nhặt vỏ lon đổi nước uống. Gặp người vô gia cư nào ông cũng chào thật tươi, mời uống nước. Lúc đã thân thiết với họ, cuối cùng, ông xin chụp ảnh.
Ông nhớ mãi cô gái cầm dao lên nói '10 năm rồi chưa có ai chào tôi, ông muốn gì?' khi lại làm quen. Hơi hoảng, ông nhẹ nhàng nói "Từ bé đến giờ tôi mới thấy người có phong cách cá tính như cô". Nghe vậy, cô gái giãn cơ mặt, vuốt vuốt con chó hung dữ đi bên cạnh, bảo ông ngồi xuống vỉa hè trò chuyện. Hai tiếng đồng hồ, cô kể, ông ngồi nghe. Tới lúc thèm thuốc, cô gái cho ông chụp vài tấm ảnh rồi vui vẻ từ biệt.
Mỗi chiều, ông Phùng đi ăn đồ tiếp tế, hàng trăm người quây quanh nồi thập cẩm có thịt quay, nướng, chiên, luộc, đổ vào ninh. "Đó là món ăn ngon nhất tôi từng ăn, vì lang thang cả ngày đói rệu rã. Nhưng cũng là một trong những lý do khiến sau đó tôi bị gút, phải chống gậy đi 20 năm qua", ông kể vui.
Đi nhiều, chân ông bắt đầu đau nhiều hơn, tiền cũng vơi dần. "Mới chụp được mười mấy tấm mà về nước thì hèn quá", nghĩ vậy, ông bán chiếc máy ảnh bên mình 50 năm với giá 5.000 USD để ở trọn vẹn 6 tháng trên đất Mỹ, chụp được khoảng 200 tấm ảnh để đời.
Những bộ ảnh của nhiều băng đảng Mỹ, những người trẻ ngông nghênh, cuồng tự do, lọt vào ống kính của ông già tóc bạc phơ, lúc nào cũng cười tít mắt. Ông tìm đến một số nhà báo và bán ảnh của mình.
|
Một bức ảnh trong bộ ảnh Thực trạng nước Mỹ của nhiếp ảnh gia Quang Phùng. Để chụp được người vô gia cư này, ông đã bị nhân vật đe dọa bằng vũ khí và chú chó bên cạnh. |
Sau lần đi Mỹ, ông Phùng đột quỵ lần 2. Ông nhận ra, chỉ sau một năm mình không ra đường, đã có quá nhiều người quen biết chết vì ma túy, ông cần phải làm gì đó để ngăn chặn việc này.
Năm 2000, ông Phùng 70 tuổi, chống gậy, lân la qua những quán trà đá vỉa hè Hà Nội, tiếp cận các con nghiện, cố gắng chụp nhanh nhất mà họ không biết. Có lần, ông bị gã nghiện rượt, luống cuống ngã. Ông già đứng dậy, bình thản nói "Ôi nhìn mặt anh phúc hậu thế kia, chẳng lẽ đi đánh ông già", nhưng trong bụng nghĩ "Lần này 'tèo' thật rồi, chắc vứt máy ảnh mà chạy". May mắn, gã nghiện quá phê thuốc nên cũng chẳng thèm tóm ông lại.
Trong gần 500 bức ảnh về đề tài ma túy, có nhiều bức ảnh của ông gây ám ảnh. Ông đặc tả cảnh tiêm chích giữa ban ngày hay đang trong cơn say thuốc, một đôi vợ chồng trẻ đang lom khom chích thuốc, đằng sau là đứa con nhỏ đang ngồi trên ghế đá. Một cậu bé hơn 10 tuổi chắt từng giọt ma túy còn sót trong xi lanh.
Năm 2004, ảnh của ông được trưng bày, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam dám công khai thực trạng này. Năm 2013, ông được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái, một giải thưởng lớn về nghệ thuật của Việt Nam.
Ít lâu sau ông bị đột quỵ lần 3. Lần này, bác sĩ trả về. Nhưng ông đã vực dậy một cách thần kỳ. Một năm sau, thoát khỏi giường bệnh, ông dành 2 tháng chỉ đi dạo phố, bớt lăn xả vì sợ vợ lo, song vẫn đeo bám mỗi chủ đề ảnh dù mưa nắng.
Ông từng chờ hàng tiếng giữa đường để tán cây soi bóng xuống mặt nước đọng lại sau cơn mưa, tựa hình lá phổi. Để chụp được những cái rễ si trắng muốt nhú ra từ bờ tường, ông phải chờ ngay sau cơn mưa vài phút, để nó không bị xỉn màu. Khi mỏi, ông đem cả miếng đệm cổ ra ngồi tựa vào gốc cây. Mất 10 năm ông mới hoàn thành bộ ảnh Hà Nội sau mưa.
|
Bức ảnh ông Phùng chụp người nghiện vào năm 2000 đang tiêm chích công khai. |
Anh Nguyễn Long Hưng, giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh, người từng chứng kiến những ngày tháng ông Phùng vượt qua bạo bệnh để đi chụp ảnh, nhận định, "hiếm có ai bắt đầu nhiếp ảnh ở tuổi 60 nhưng lại cho ra đời nhiều tác phẩm có ảnh hưởng đến toàn xã hội như ông Phùng".
Hiện tại, mỗi tuần, ông Phùng dành 1-2 buổi đến Đại học Sân khấu điện ảnh để giảng về nhiếp ảnh. Ngoài ra, ông còn đang ấp ủ 101 câu chuyện bằng hình ảnh về Hà Nội với đủ mọi chủ đề. Ông bảo, "chưa xong cái này tôi chưa chết được, cứ từ từ".
Trọng Nghĩa