Chuyên mục  


Lờ mờ đoán được từ nhiều năm trước nhưng khi con thừa nhận vợ chồng bà Ngọc vẫn rất sốc. Người mẹ chỉ khóc trong khi người cha an ủi vợ con "nói ra được là tốt".

"Bố mẹ chỉ mong con hạnh phúc và nếu được, hãy có thêm cháu nội cho ông bà", bố Hiếu nói.

Hiếu Trần luôn là niềm tự hào của bố mẹ. Anh học giỏi và được nhận vào làm ở Bank of America ngay khi tốt nghiệp đại học. Nhưng sự tự hào đó cũng là vật cản khiến anh phải che giấu một con người khác trong thẳm sâu. 6 năm trước, Hiếu gặp Romario Christopher Faria, một chàng trai Nam Phi, và quyết định theo đuổi tình yêu.

Cuộc "come out" (công khai) hóa ra nhẹ nhàng hơn Hiếu tưởng.

"Lúc này tôi bàn với Romario về việc có con, một phần vì mong muốn của mình, phần vì muốn báo hiếu bố mẹ", Hiếu Trần, 36 tuổi, quản lý một resort và quán bar ở Phú Quốc chia sẻ.

Tổ ấm với hai ông bố của cậu bé Noah tại Phú Quốc mùa hè 2024. Ảnh: Gia đình cung cấp

Để có con, Hiếu và Romario chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp mang thai hộ. Luật pháp Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đối tượng là những cặp hiếm muộn không có khả năng tự mang thai. Trong khi người đồng tính nữ vẫn có thể xin tinh trùng hiến tặng để được làm mẹ hợp pháp, người đồng tính nam gần như không có cách nào.

Hiếu tìm hiểu về việc mang thai hộ ở Thái Lan. Chi phí tương đương Việt Nam, nhưng anh được nghe nhiều chuyện không hay nên không dám mạo hiểm. Trong lúc đó, anh được giới thiệu với bạn đã có ba đứa con nhờ phương pháp mang thai hộ hợp pháp ở Mỹ.

"Chi phí cao gấp hơn bốn lần nhưng đứa trẻ sinh chắc chắn thuộc về mình", Hiếu được tư vấn. Quá trình làm mang thai hộ của anh có sự tham gia của bốn luật sư. Từ hợp đồng làm phôi đến hợp đồng mang thai hộ đều dài gần một trăm trang.

Hành trình khó khăn nhất bây giờ mới bắt đầu. Đại dịch Covid bùng phát toàn thế giới. Ngay từ bước đầu tiên là gửi mẫu ADN, Hiếu đã phải tìm rất nhiều cách mới nhờ được người mang qua biên giới vào Mỹ. Đến bước lấy tinh trùng, khi biên giới các nước đóng cửa buộc anh phải bay sang Anh để lấy mẫu gửi đi Mỹ. Quá trình này chỉ mất một buổi, nhưng Hiếu mắc kẹt tại đây ba tháng vì không có cách nào trở về. Bao nhiêu tiền tiết kiệm đổ hết vào khách sạn và vé máy bay về Việt Nam.

Hiếu và bạn đời trong phòng chờ người mang thai hộ sinh con hôm 26/1/2024 tại bang Colorado. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ cuối năm 2021, Hiếu và Romario bắt đầu quá trình tìm mẹ cho con không khác gì "xét tuyển hoa hậu". Romario kể hai người đã đọc hàng nghìn hồ sơ của người hiến trứng thuộc các màu da, chủng tộc khác nhau. Lựa chọn số một không đạt vì trùng nhiễm sắc thể xấu, ba tháng chờ đợi "đi tong". Lựa chọn số hai mất thêm bốn tháng chờ đợi nhưng phút cuối người phụ nữ quyết định không hiến tặng nữa.

Lần thứ ba, họ tìm được một người cho trứng có học vấn cao, ngoại hình đẹp và đặc biệt không trùng gene xấu nào. "Qua bao chờ đợi, tìm được mẹ cho con như một cái duyên lành", Hiếu Trần chia sẻ.

Có trứng, cặp đồng tính bước vào giai đoạn tìm mẹ mang thai hộ. Thời điểm này luật Mỹ mới ra yêu cầu người mang thai hộ phải tiêm vaccine Covid-19, nên số ứng viên đủ điều kiện giảm 30%. Họ phải chờ 13 tháng mới đến lượt.

Sau cùng họ tìm được người nhận mang thai hộ 36 tuổi ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado. Tháng 5/2023, bệnh viện tiến hành cấy phôi khỏe nhất trong số 8 phôi đang lưu trữ.

Những ngày đó từ cách nửa vòng trái đất, Hiếu cũng đứng ngồi không yên. Tất cả vỡ òa vào một đêm hè tháng 6, anh được nghe bản thu nhịp đập tim thai đầu tiên và hình ảnh 4D của thai nhi gửi về.

"Mình đã khóc trong hạnh phúc", ông bố trẻ nhớ lại.

Bố mẹ Hiếu bế cháu nội Noah tại thành phố Colorado Springs, bang Colorado, Mỹ tháng 2/2024. Ảnh: Gia đình cung cấp

Niềm vui nhân lên mỗi ngày khi nhìn thấy bàn tay, chân con, nghe nhịp đập của con qua màn hình. Nhiều khi nhớ con quá, Hiếu còn nhờ mẹ mang thai đi siêu âm trước lịch hẹn.

Bao nhiêu mong ngóng cuối cùng cũng đến ngày sang Mỹ đón bé vào tháng 1/2024. Nhà bốn người đặt chân tới thành phố Colorado Springs lúc nửa đêm, giữa trời băng tuyết trắng xóa và nhiệt độ âm 26 độ.

10 ngày sau, người mẹ mang thai báo vỡ ối lúc sáng sớm. Mọi người trong gia đình Hiếu lao như bay tới đưa cô đi bệnh viện. Trong suốt quá trình chờ đẻ, Hiếu thường vô thức sờ vào túi. Trong đó có một tờ giấy quan trọng: Quyết định của tòa án em bé sinh ra thuộc quyền sở hữu của riêng anh.

16h ngày 26/1, bác sĩ thông báo "đã đến lúc". Hai ông bố co rúm trong căn phòng nhìn người phụ nữ Mỹ lâm bồn. Đến lần thứ 8, tiếng khóc phá tan không gian căng thẳng. Romario đỡ bé từ tay bác sĩ, áp con vào ngực.

Hiếu chia sẻ, ngày đầu tiên anh và Romario còn không biết thay bỉm như thế nào. Mỗi lúc thấy khó, họ xin trợ giúp "gọi điện cho người thân" hoặc "bác sĩ Google".

"Đến nay mình có thể thay bỉm cho con ở mọi địa hình, trên mặt đất hay bế bé trên tay, thay bằng một tay", anh nói.

Gia đình mất 6 tuần ở Mỹ mới xin được visa và quốc tịch Việt Nam cho em bé để trở về. Trong thời gian này chi phí khách sạn, đồ ăn thức uống đắt đỏ. Bù lại em bé tên Noah được uống sữa mẹ mang thai nên cứng cáp, bay ba chuyến vẫn ăn ngủ ngon trong vòng tay các bố.

Ngày về, nội ngoại đã tề tựu bởi ai cũng muốn ẵm bồng cháu. Cố nội 91 tuổi bắt tàu từ quê đi hơn 500 km ra Hà Nội thăm chắt.

Bà Ngọc chia sẻ Noah sinh ra trắng tinh, "soi trái soi phải cũng chưa thấy nét nào giống con mình". Bà bí mật mang móng tay của cháu đi xét nghiệm ADN. "Kết quả chính xác là cháu mình, song tôi bị con trai trách một trận", bà kể.

Hơn một tháng được chứng kiến hai "gà trống" chăm con, vợ chồng bà Ngọc cũng tạm yên tâm cho phép họ đưa bé Noah ra Phú Quốc. Những khi có điều kiện, Hiếu và bạn đời cũng mang con về thăm ông bà.

Mỗi lúc vậy ông bà nội được dịp bế cháu đi khoe khắp nơi. Nhìn cảnh đó, Hiếu biết rằng mọi người đã phần nào quên đi tổ ấm của anh khác biệt.

"Mình biết ơn nhờ sự phát triển của y tế đã biến giấc mơ làm bố của người trong cộng đồng LGBT thành sự thật", ông bố trẻ nói.

Phan Dương

* Tên một số nhân vật đã thay đổi.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020