Uyên, còn rất trẻ, vốn chưa có nhiều kinh nghiệm về cuộc sống và văn hóa dân tộc. Nhưng đầu năm 2023, một chuyến đi tình nguyện đến Hòa Bình đã thay đổi cách nhìn của cô về văn hóa và sự gắn bó với cộng đồng.
Trong một chuyến đi, Uyên tình cờ nghe câu tục ngữ "Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước nên thương nhau cùng." Dòng chữ này, đầy ẩn ý và vẻ đẹp truyền thống, khiến cô bối rối. Từ "nhiễu điều" là gì? Tại sao lại cần phủ lên "giá gương"? Uyên bắt đầu cảm thấy tò mò và khao khát tìm hiểu.
Vào một buổi chiều, Uyên gặp bác Đạt, một họa sĩ lớn, người đã giải thích rằng "nhiễu" là một loại lụa cao cấp dệt từ sợi tơ tằm – một sản phẩm thủ công tinh tế và quý giá. Từ cuộc trò chuyện ấy, Uyên nhận ra rằng lụa không chỉ là một vật liệu, mà còn mang theo cả những giá trị văn hóa và lòng thương yêu của con người Việt Nam. Ý tưởng bắt đầu hình thành trong đầu cô: làm những chiếc khăn lụa để gửi đến những bệnh nhân đang mất đi mái tóc vì hóa trị, giúp họ thấy mình xinh đẹp và tự tin hơn.
Thái Uyên tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện
Thế nhưng, ý định là một chuyện, bắt tay vào làm lại là một thử thách không nhỏ. Uyên phải học cách thức dậy sớm, gác lại những cuộc vui để tập trung thiết kế, sản xuất và hoàn thành dự án. Thậm chí, những lần Uyên phải tìm cách vượt qua sự ngại ngùng, hỏi han người lớn về những kiến thức còn mơ hồ về văn hóa vùng cao, đã trở thành những bước đi đầu đời đáng nhớ.
Chia sẻ về hành trình tạo ra những chiếc khăn lụa, Uyên cho biết: "Trong những chuyến đi thiện nguyện vùng cao, khung cảnh núi rừng Việt Bắc, đặc biệt hoa văn thổ cẩm của các sắc màu trang phục dân tộc làm tôi thích thú và ấn tượng. Tháng 8/2023 tôi có dịp đồng hành cùng Quỹ Ngày mai tươi sáng đến Khoa ung bướu- Bệnh Viện đa khoa Tuyên Quang tham gia chương trình tặng tóc cho bệnh nhân ung thư, những người bệnh ung thư sau khi hoá trị sẽ bị rụng tóc, nếu được sẻ chia, động viên và những bộ tóc giả sẽ khiến họ tự tin hơn. Sau những chuyến đi đó tôi luôn nghĩ không chỉ là những mái tóc giả mà hơn thế đo là những chiếc khăn vừa dễ chịu vừa duyên dáng. Và tôi bắt đầu với dự án riêng của mình bắt đầu với hoa văn thổ cẩm và chất liệu lụa tơ tằm của Việt Nam".
Thái Uyên và thiết kế khăn lụa của mình
Khi hoàn thành chiếc khăn lụa đầu tiên, Uyên cảm thấy niềm tự hào và sự mãn nguyện tràn đầy trong tim. Đối với cô, may mắn không tự nhiên mà có, mà chính là phần thưởng cho sự nỗ lực và lòng kiên trì. Uyên nhận ra rằng, qua từng sợi tơ, cô đã góp phần dệt nên bức tranh yêu thương và tinh thần đoàn kết mà câu tục ngữ ngày nào đã khơi dậy.
Nhìn lại, Uyên không chỉ tìm thấy niềm vui trong việc giúp đỡ người khác, mà còn khám phá thêm về bản thân mình. Đó là một hành trình bất ngờ nhưng đầy ý nghĩa, giúp Uyên cảm nhận sâu sắc hơn thông điệp "người trong một nước nên thương nhau cùng."