"Em xin nghỉ học một tuần để về làm nương, xong việc lại xuống trường", Sùng A Minh, học sinh lớp 8 trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Kè (huyện Mường Nhé), nói.
Hai năm nay, A Minh đã quen với cảnh một mình trên nương kể từ khi bố em mất đột ngột vì bệnh, mẹ đi lấy chồng khác, biệt tích. Nhà có 6 anh chị em nhưng người anh đầu bị chậm phát triển trí tuệ, anh thứ hai đi Hà Nội làm ăn mấy năm nay không thấy tin tức, chị gái kế A Minh đã đi lấy chồng. Cậu bé bỗng dưng trở thành trụ cột gia đình ở tuổi 11, gánh trách nhiệm nuôi anh trai và hai đứa em nhỏ.
Mặt trời đứng bóng, A Minh đập bó lúa cuối, cho hết thóc vào gùi rồi vội vã về nhà nấu cơm cho em.
Căn nhà gỗ của mấy anh em rộng chưa tới 30 m2 nằm lưng chừng đồi, lúc nào cũng mờ mờ tối. Kế bên ba chiếc giường tre vài bước chân là bếp. Lúc A Minh bước vào cửa, cậu em Giàng A Thênh (11 tuổi) đang xé nhỏ bao đựng lúa, nhóm bếp.
Cô em út Sùng Thị Dính (6 tuổi) đứng tựa cửa đợi anh về. Vừa thấy A Minh thả gùi thóc xuống, Dính đã phụng phịu "Em đói bụng". Cậu anh dỗ dành: "Đợi một tí, tao nấu cơm. Thằng Thênh cầm chai ra suối lấy nước về lát làm canh".
Sùng A Minh (bên trái) cùng hai em Sùng Thị Dính (áo trắng), Sùng A Thênh (áo kẻ đỏ) và bé con chị gái trong ngôi nhà gỗ ở bản Huổi Khon 1, trưa 21/10. Ảnh: Minh Tâm.
Mường Nhé là địa bàn trọng điểm chiến lược thuộc khu vực biên giới phía tây. Nhiều năm qua được đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đến nay vẫn là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%. Tất cả 16 xã của huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Bản Huổi Khon 1 có 68 hộ, nhà nào cũng nghèo nhưng gia đình Sùng A Minh nghèo nhất. Anh Vàng A Chơ, 32 tuổi, trưởng bản kể, hôm bố A Minh mất, gia đình không có tiền, hàng xóm mỗi người phải góp một ít để làm đám tang. Tài sản trong nhà có hai con trâu được nhà nước cho, nhưng bị bệnh chết một con, còn một sào nương trên đồi để mấy anh em có gạo sống qua ngày.
"Trước còn bố mẹ cuộc sống tuy vất vả nhưng có cái ăn. Giờ mấy anh em nhà nó mắm muối không tiền mua, bữa nào có cơm thì lấy nước suối làm canh, có khi nhịn đói. Mình nhìn mà chảy nước mắt", trưởng bản A Chơ nói.
Sùng A Minh hay bị các thầy cô ở trường Nậm Kè trêu là "ông cụ non" bởi mới 13 tuổi nhưng nó đã quán xuyến mọi việc trong nhà, nuôi nấng mấy đứa em như một người đàn ông trưởng thành.
Minh kể, ngày mẹ rời đi, cậu chỉ biết im lặng, khóc thật to. Căn nhà em từng mong để về giờ trở nên lạnh lẽo. Sáu anh em không có ai nấu cơm cho ăn, trong bếp không còn gạo, chỉ có chiếc nồi nằm vất vưởng trên nền đất, cạnh đống trò tàn. Hôm ấy, Minh sang hàng xóm xin chút gạo thổi cơm cho hai đứa em ăn tạm, rồi đi bộ xuống trường.
"Lúc mẹ đi, thật sự ghét mẹ vì để anh em không có cái ăn, có khi nhịn đói cả ngày. Nhưng bây giờ em lại nhớ mẹ, mong mẹ về nhà", cậu bé người Mông vừa nói vừa lấy tay quệt nước mắt.
Minh kể, hai năm vắng bố mẹ, nhiều đêm em gái khóc hỏi "Sao mẹ chưa về?". Cậu im lặng, không biết nói gì. Cô em càng khóc to, Minh quát: "Ngủ đi", rồi lặng lẽ lau nước mắt.
Từ ngày gánh trách nhiệm nuôi em, A Minh học cách nấu cơm, lên đồi kiếm rau rừng, cái nào nhắm ăn được là cậu đem về nấu. "Thời gian đầu, tụi em thường ăn cơm sống vì không biết nấu. Nhưng dần quen, giờ đã biết làm cơm, luộc trứng, với rau", A Minh cúi mặt lí nhí kể chuyện.
Sùng Thị Dính (áo trắng), Sùng A Thênh (áo kẻ đỏ) ngồi nhóm bếp phụ anh trai nấu cơm, trưa 21/10. Ảnh: Minh Tâm
Những ngày không đi học, 5h sáng, A Minh đã dậy thổi cơm để sẵn cho hai đứa em, sau đó vác gùi lên nương. Anh cả phụ trách lo cho con trâu no bụng. "A Minh còn nhỏ nhưng biết cuốc nương làm lúa, quán xuyến việc nhà, vừa chăm em, vừa đi học", anh Chơ kể.
Trong năm học, Minh và các em được nhà trường lo bữa ăn. Đó là những ngày ba anh em được no cái bụng, có rau, có thịt. Học sinh ăn ngủ ba bữa ở trường từ thứ 2 đến chiều thứ 6. Trở lại trường vào chiều chủ nhật, trẻ con nhà khá giả được phụ huynh đèo xe máy. Riêng Minh và em trai đi bộ, lội suối trèo đèo 18 km.
"Có hôm rảnh thì mình chở cho được một đoạn, còn không anh em nó cứ đi bộ đến trường thôi", anh Chơ nói.
Tháng 6 năm ngoái, học sinh nghỉ hè, Minh ở nhà chăn trâu. Chưa tới mùa gặt, nhà hết gạo, cậu mang nỏ vào rừng bắn chuột kiếm cái ăn không may mũi tên đập vào đá, bắn ngược vào mắt.
Chạy về nhà, Minh ôm mặt khóc vì đau. Không có tiền đi viện, cậu bé chỉ lấy bông che mắt, ráng chịu đau suốt hai tháng. Cho đến khi mắt phải không nhìn thấy gì nữa, Minh mới biết mình bị mù.
Kết thúc kỳ nghỉ hè, anh Hoàng Quốc Kiên (38 tuổi), giáo viên chủ nhiệm của A Minh vào bản gọi học sinh trở lại trường mới ngỡ ngàng mắt của học trò bị thương. Anh Kiên vội đưa A Minh xuống bệnh viện huyện Mường Nhé. Tại đây, bác sĩ cho hay mắt phải của Minh không được chữa trị sớm nên đã mù vĩnh viễn. Kể từ đó cậu bé 13 tuổi chỉ còn một mắt.
Đến trường, bị bạn trêu "thằng một mắt", không có bố mẹ, Minh chỉ lủi thủi chọn góc cuối bàn ngồi một mình và khóc. Thầy Kiên kể, thời gian đầu, Minh bị bạn bè kỳ thị và muốn cậu phải chuyển lớp. "Tôi phải làm công tác tư tưởng cho học sinh mỗi ngày, động viên các em hiểu cho hoàn cảnh của Minh", anh Kiên nói.
Thầy Kiên nhớ mãi, mùa đông hai năm trước, Sùng A Minh lên lớp 6. Cậu đi chân đất, mặc chiếc áo cũ phong phanh bước vào lớp. "Người nó gầy nhom, run run chào thầy. Hết tiết dạy, tôi vội đi mua đôi dép, xin thêm cái áo ấm cho em".
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa gặt lúa nương, Minh lại xin thầy nghỉ học một tuần. Hết việc, cậu đi bộ xuống trường xin mang sách về nhà ôn bài. Thương học trò phải lo cái ăn cho gia đình, dở dang việc học nên cứ buổi chiều, tan trường, thầy Kiên lại vào bản dạy thêm kiến thức bị hụt cho Minh.
Cô Bùi Thị Thanh Huyền, hiệu phó trường PT Dân tộc bán trú THCS Nậm Kè cho biết, trường có 526 học sinh nhưng có đến 70% là con em hộ nghèo. Hoàn cảnh của Sùng A Minh đặc biệt khó khăn. Trước đây Minh học rất khá. Từ khi chỉ còn một mắt, thị lực kém dần, em hay bị đau đầu, đôi lần không chịu nổi phải nghỉ học.
"A Minh rụt rè, ít nói. Cứ mỗi tuần em lại đi bộ xuống trường. Đường đi xa và gập ghềnh, nhưng hai anh em vẫn cố gắng không bỏ học. Nhìn thằng bé chăm lo các em thay bố mẹ, thương lắm", cô Huyền nói.
Sùng A Minh chuẩn bị nấu cơm cho các em, trưa 21/10. Ảnh: Minh Tâm
Tuần trước thấy Minh vắng học, thầy Kiên lo lắng, xách xe máy chạy vào bản hỏi thăm. Vào nhà trống trơn, chỉ thấy nồi cơm nguội, thầy giáo lại xuống quán mua chục quả trứng gà, vài gói mì tôm để ở kệ bếp. Hôm ấy, cậu bé trên nương về, nhìn thấy thức ăn, nheo nheo mắt, bật khóc. "Hôm nay tụi con có cái ăn ngon rồi, không phải ăn cơm trắng", cậu nói.
Mới đây, nhà trường đã xin được giấy chứng nhận chế độ khuyết tật cấp xã cho Minh. Mỗi tháng em được hơn một triệu đồng nên hai năm học cấp 2 còn lại, A Minh sẽ bớt khó khăn về chi phí học tập.
"Em rất muốn học lên cấp ba nhưng em sợ mình không có tiền đi học, trong khi cái ăn còn chưa đủ", cậu bé lại cúi mặt, nắn nắn bàn tay, nói.
Để giáo viên và học sinh ở vùng sâu, xa có điều kiện dạy, học tốt hơn, Quỹ Hy vọng - báo VnExpresstiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường.
Mỗi sự chung tay của độc giả sẽ góp phần cải thiện cơ hội giáo dục cho các em nhỏ khó khăn. Mọi ủng hộ xin gửi về chương trình tại đây.