Chuyên mục  


Các chính phủ trên khắp thế giới đang ngày càng khuyến khích người dân mua xe điện, với những mục tiêu giảm khí thải rõ ràng. Bên cạnh đó, sự bứt phá của những công nghệ mới giúp người tiêu dùng quan tâm hơn tới dòng xe xanh.

Tại Mỹ, người dân mua ôtô điện được hỗ trợ 7.500 USD giúp họ bớt ngại ngần khi muốn chọn một chiếc xe dùng năng lượng sạch vốn có giá cả cao hơn so với một chiếc ôtô chạy xăng hoặc dầu.

Volkswagen ID.4 - một trong những xe điện mới nhất từ châu Âu. Ảnh: Car and Driver

Những chính sách tương tự cũng được thực hiện tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ở Đức, mức hỗ trợ tối đa là 10.200 USD cho ôtô chạy pin và đến 7.600 USD cho xe hybrid sạc điện (PHEV). Khách hàng ở Canada được giảm 5.000 USD dù mua xe thuần điện hay PHEV.

Tại Trung Quốc, theo chính sách được thực hiện cho năm 2021, xe thuần điện (PEV) với hành trình 300-400 km mỗi lần sạc được giảm giá 2.000 USD. Mỗi xe chạy được 400 km trở lên, mức giảm là 2.800 USD.

Riêng tại Na Uy - quốc gia nơi có 60% xe mới bán ra là ôtô điện - xe điện được miễn một loạt thuế phí mà ôtô xăng dầu phải chịu. Những khoản này gồm 25% thuế VAT, phí khí thải carbon 20%, phí khí thải nitơ-oxit, một khoản phí trọng lượng xe và phí thải loại khi xe hết hạn sử dụng. Với một chiếc xe gia đình hạng phổ thông, tổng các khoản thuế phí này sẽ khoảng 13.600 USD.

Ngoài ra, xe điện ở Na Uy được miễn phí cầu đường, giảm tới 50% phí đỗ xe, được chạy vào làn xe buýt.

Ngoài những khoản hỗ trợ tài chính từ các chính phủ hay tùy từng địa phương, các hãng xe đang chạy đua đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ pin - yếu tố chính khiến giá xe điện cao hơn ôtô truyền thống. Giá pin giảm, có nghĩa xe điện cũng sẽ rẻ hơn.

Wuling Hongguan Mini EV - ôtô điện bán chạy nhất thế giới xuất hiện ở Việt Nam hồi tháng 11. Ảnh: Lương Dũng

Lúc này, Trung Quốc là nơi sản xuất ra những mẫu xe điện rẻ nhất thế giới. Theo báo cáo từ hãng phân tích dữ liệu ngành công nghiệp ôtô, Jato Dynamics, giá trung bình của một mẫu xe điện mới tại Trung Quốc giảm từ mức 47.300 USD từ 2011 xuống còn 25.000 USD - tức giảm 47%.

Ngược lại, giá xe trung bình ở châu Âu lại tăng từ 37.700 USD trong 2012 lên thành 48.100 USD trong năm nay - tức tăng 28%. Như ở Anh, giá bán lẻ trung bình của một mẫu xe điện cao hơn 52% so với một mẫu xe động cơ đốt trong cùng hạng.

Vì thế, khi khách hàng châu Âu quay sang tìm kiếm một mẫu xe điện thay thế, là khi các sản phẩm từ Trung Quốc nhập cuộc. Đây cũng là lúc xe châu Âu phải cạnh tranh với xe Trung Quốc, cả về giá cả và công nghệ.

Những lợi thế đang giúp các sản phẩm thuộc các thương hiệu Trung Quốc trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng nước ngoài. Những cái tên lúc này hay được nhắc tới như Nio, Xpeng và Li Auto.

Ngay ở Trung Quốc, dòng xe điện cỡ nhỏ giá rẻ đặc biệt ăn khách. Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất từ hơn một năm nay là Wuling Hongguang Mini EV với giá bán chỉ khoảng 4.500 USD. Doanh số trung bình mỗi tháng khoảng 30.000 xe biến Hongguan Mini EV thành xe điện bán chạy nhất thị trường nội địa trong gần một năm qua.

Trên toàn cầu, doanh số xe điện ước tính vượt mức 6 triệu xe trong 2021. Riêng nửa đầu năm, doanh số đã gấp ba lần so với cùng kỳ 2020, theo Wood Mackenzie. Thị phần của xe điện cũng tăng 7% trong vòng một năm qua.

Trong 2022, sản lượng xe điện trên toàn thế giới dự đoán đạt 5,9 triệu xe (so với ước tính 4,3 triệu trong 2021). Đến hết 2036, sản lượng xe điện có thể đạt 45 triệu, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng ôtô hạng nhẹ trên toàn cầu.

Mỹ Anh (theo Euronews, Energy Monitor)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020