Chuyên mục  


Với 30 năm kinh nghiệm, tiến sĩ, nhà tâm lý học người Mỹ Jeffrey Bernstein chỉ ra ba cách ngăn con cái trưởng thành lợi dụng cha mẹ.

Đặt ra ranh giới rõ ràng

Nhiều cha mẹ không dám đặt ranh giới với con cái đã trưởng thành vì sợ chúng ngày càng xa cách. Nhưng nếu không có ranh giới những đứa con sẽ tiếp tục thao túng cha mẹ.

Tiến sĩ Jeffrey Bernstein lấy trường hợp của khách hàng tên Sharon làm ví dụ. Bà có con trai 26 tuổi thường xuyên xin tiền mẹ nhưng không bao giờ trả lại. Lúc đầu, bà không muốn căng thẳng nên cho con vay tiền. Sau đó, nỗi oán giận, buồn bực tích tụ trong bà.

Theo tiến sĩ Berstein, đặt ra ranh giới không có nghĩa là cắt đứt quan hệ với con, mà là yêu thương chúng, đồng thời tôn trọng nhu cầu của bản thân.

Cha mẹ phải rõ ràng và nhất quán với ranh giới của mình. Thực hành nói "không" mà không thấy tội lỗi và trấn an con rằng ranh giới là vì lợi ích chung của cả hai.

Ảnh minh họa: Family Magazine

Ngừng giải cứu con khỏi mọi vấn đề

Cha mẹ thường muốn lao vào giúp đỡ khi thấy con khó khăn. Nhưng liên tục giải cứu ngăn chúng học cách tự giải quyết khó khăn trong cuộc sống.

Marcus có con gái 30 tuổi là Elisa. Cô con gái gọi cho ông bất kể có chuyện gì xảy ra, chẳng hạn xung đột ở nơi làm việc hay có vấn đề với bạn bè. Dù rất mệt mỏi với những lời than vãn của con, Marcus vẫn cố gắng đưa ra lời khuyên.

Trong một buổi làm việc với chuyên gia trị liệu, Marcus nhận ra mình đang cản trở sự phát triển của con gái. Sau này, ông học cách nói: "Bố tin con xử lý được việc này. Hãy nói cho bố biết mọi chuyện diễn ra thế nào".

Sự thay đổi này giúp con gái ông chủ động hơn trong giải quyết rắc rối của mình. Marcus cũng không còn đau đầu với những lời than vãn của con.

Tiến sĩ Bernstein khuyên hãy hỗ trợ và động viên khi con gặp rắc rối, nhưng đừng giải quyết mọi vấn đề. Bạn nên để con trải nghiệm hậu quả của lựa chọn và học cách khắc phục.

Giao tiếp quyết đoán

Nhiều cha mẹ thấy phải lựa chọn giữa im lặng để tránh xung đột hoặc gay gắt để truyền đạt quan điểm. Theo tiến sĩ Bernstein, cả hai cách đều không hiệu quả. Thay vào đó, giao tiếp quyết đoán sẽ tạo sự cân bằng phù hợp.

Jenna mất kiên nhẫn với con trai 25 tuổi vì thường xuyên ngồi vào bàn ăn muộn mà không xin lỗi. Thay vì nổi nóng, Jenna bình tĩnh nói rõ quan điểm: "Khi con đến muộn, mẹ thấy bị coi thường. Mẹ muốn con báo trước nếu đến muộn để có kế hoạch phù hợp".

Jenna đã nói ra nhu cầu một cách rõ ràng và tôn trọng, nhưng không làm hỏng mối quan hệ.

Tiến sĩ Bernstein lưu ý, việc xây dựng lại mối quan hệ với con sau khi đặt ra ranh giới và kỳ vọng có thể mất thời gian, nhưng về lâu dài sẽ lành mạnh hơn. "Hãy nhớ, bạn không chỉ là cha mẹ của chúng mà còn là một người đáng được tôn trọng", ông nói.

Nhật Minh (Theo Psychology Today)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020