Chuyên mục  


Hồng Nhung (TP HCM) cho biết bố mẹ vẫn chưa thể quen được mùi nội thất khi lên ôtô mà cô mới mua, mặc dù đã dùng xe nửa năm. Nhung nói lúc mới lấy xe, mùi nồng nặc, cô khắc phục bằng các sử dụng lá dứa (lá nếp) và treo túi thơm bên trong xe.

Bản thân Nhung và chồng sử dụng xe thường xuyên nên quen mùi, không quá khó chịu. Tuy nhiên bố mẹ của chị vẫn chưa thể quen được, thậm chí nhức đầu, buồn nôn, khiến mỗi chuyến đi chơi, du lịch với gia đình kém vui. Sự "ám ảnh" về mùi ôtô với hai ông bà nặng đến mức, cứ mỗi lần gia đình con gái về thăm, bà lại tặng cho vài bó lá dứa.

Trong khi đó Lê Hưng (Hà Nội) mới mua một chiếc crossover cỡ B được hai tháng. Nghe bạn bè mách nước, thứ phụ kiện đầu tiên anh mua khi nhận xe là các loại hút, khử, át mùi như túi than hoạt tính, nước hoa khô, túi cafe. Dù vậy, cứ mỗi lần chở nhóm bạn, là anh lại nhận được một tràng nhận xét mùi xe "ghê quá".

Mùi nội thất đến từ đâu?

Tác nhân chính gây mùi đến từ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (volatile organic compounds - VOC) phát ra từ nhựa, vải và chất kết dính được sử dụng trong xe, vốn hiện diện nhiều trên xe mới xuất xưởng, hoặc chưa từng được sử dụng.

Các nghiên cứu của Trung tâm Sinh thái học tại Michigan (Mỹ) đã tìm thấy hơn 200 loại hóa chất trong nội thất ôtô, bao gồm cả các chất độc hại, có mùi ngọt như benzene, toluene, formaldehyde, toluene, phthalate, trichlorophenyl phosphate (TCPP)... chủ yếu từ nhựa, xốp hoặc keo trong xe, như cụm táp-lô, thảm, ghế, đệm ghế.

Mùi xe thường tỏa ra từ các chi tiết nhựa, da, đệm trong nội thất, nhất là những xe mới mua. Ảnh: Hồ Tân

Những hóa chất này thường là một phần trong các biện pháp an toàn của ôtô. Ví dụ, TCPP hoạt động như chất chống cháy trong bọt xốp polyurethane. Nếu không có chất này, thân xe sẽ dễ bốc cháy trong trường hợp xảy ra tai nạn. Những hợp chất này đã được chứng minh là có thể gây nhức đầu, buồn nôn và chóng mặt nếu hít phải.

Khi sử dụng xe, nhiều yếu tố khác nhau có thể khiến VOC tỏa ra trở nên nồng nặc hơn. Các yếu tố đó là không gian hẹp, ít được thông gió khiến VOC tích tụ và bám trong nội thất, hoặc đỗ xe dưới trời nắng gắt có thể làm VOC thải ra nhanh hơn. Bên cạnh đó, VOC có thể tích tụ vào các hạt bụi trong xe, bám nhiều ở bộ lọc không khí. Một nghiên cứu năm 2012 do Trung tâm Sinh thái Mỹ thực hiện đã phát hiện ra nồng độ cao của hai hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong bộ lọc là phthalate và PBDE.

Các nhà sản xuất ôtô trong nhiều thập kỷ qua cũng đã nhận biết được điều này, do đó đã thực hiện các phương pháp khắc phục khác nhau trong sản xuất. Một số nhà sản xuất ôtô bắt đầu sử dụng vật liệu gốc đậu nành để làm lớp phủ, đệm và chất kết dính, bộ lọc có thể sử dụng sợi tự nhiên để "bẫy" và loại bỏ các hạt bụi chứa VOC, không cho thải ra môi trường. Ngoài ra, một cách làm phổ biến khác là sử dụng các vật liệu ít thải ra VOC để chế tác nội thất.

Các cách loại bỏ mùi khó chịu bên trong xe

Bởi lẽ mùi xe có nguồn gốc từ vật liệu trên xe, nên sẽ không có cách triệt để làm hết mùi, trừ khi không sử dụng loại vật liệu đó nữa. Tuy vậy, người dùng vẫn có thể sử dụng một số cách để dần giảm bớt mùi nội thất, tránh gây ảnh hưởng đến trải nghiệm đi xe và sức khỏe con người.

Với xe mới mua, trong thời gian đầu, nên tận dụng tối đa những khoảng thời gian đỗ xe ngoài trời, thời tiết tốt, nơi ít bụi và an ninh tốt để mở bung hết các cửa kính, cửa sổ trời. Bằng cách phơi xe vài lần như thế này, các chất độc có thể bay bớt ra ngoài. Nếu khu vực không có nắng hoặc thời tiết lạnh, có thể bật máy và sử dụng chế độ sưởi nhiệt độ cao nhất của điều hòa để làm không khí bên trong xe bay hơi nhanh hơn.

Mở toàn bộ cửa xe và phơi nắng thường xuyên khi mới mua xe sẽ giúp loại bỏ mùi nhanh chóng. Ảnh: Hồ Tân

Bên cạnh đó nếu các chi tiết nội thất có bọc nilon, ví dụ như ghế, màn hình, tấm che nắng, chủ xe cần loại bỏ. Mỗi tuần một lần, xe nên được dọn rửa nội thất bằng dung dịch chuyên dụng, tại các vị trí như táp-lô, ghế, thảm, vô-lăng.

Khi sử dụng xe, có thể để một chậu các vật liệu hút mùi dưới sàn xe như baking soda, than hoạt tính để ngăn mùi hiệu quả hơn. Không nên lạm dụng các loại hóa chất tạo mùi mạnh để át mùi xe, bởi như vậy chỉ khiến cơ thể phải hít thêm nhiều loại hóa chất gây hại.

Tài xế nếu muốn át mùi, có thể sử dụng các chất liệu tự nhiên như cafe xay, vỏ cam, bưởi khô... Cuối cùng, nên thường xuyên sử dụng chế độ lấy gió ngoài trong vài tháng đầu khi mua xe, để không khí tươi luôn được tuần hoàn, hạn chế mùi khó chịu.

Hồ Tân

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020