Sao Mộc (góc trái) và mặt trăng Ganymede. Ảnh: Space.
Phát hiện của Juno không phải dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh nhưng vẫn có ý nghĩa bởi đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ghi nhận tín hiệu như vậy ở vệ tinh sao Mộc. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Tàu Juno phóng vào năm 2011 bắt gặp nguồn sóng vô tuyến gọi là "phát xạ vô tuyến decamet" khi bay ngang qua vùng cực của sao Mộc ở tốc độ 180.000 km/h. Dù quá trình phát xạ vô tuyến chỉ kéo dài 5 giây nhưng như vậy là đủ để xác nhận nguồn. Theo NASA, sóng vô tuyến decamet có tần số trong khoảng 10 - 40 MHz, nhưng chưa bao giờ vượt quá 40 MHz. Các nhà khoa học NASA cho rằng electron di chuyển theo chiều xoắn ốc trong từ trường của sao Mộc là nguyên nhân dẫn tới âm thanh mà họ nghe thấy.
Giới nghiên cứu biết đến sóng vô tuyến trên sao Mộc từ giữa thập niên 1950, nhưng đây là lần đầu hiện tượng này được ghi nhận từ Ganymede. Trước đó, năm 2018, các nhà nghiên cứu từng quan sát sóng điện từ trên mặt trăng này thông qua tàu vũ trụ thăm dò Galileo. Ganymede là mặt trăng lớn nhất của sao Mộc. Năm 2015, kính viễn vọng không gian Hubble phát hiện bằng chứng Ganymede có một đại dương ngầm.
Tàu Juno có nhiều phát hiện về sao Mộc, bao gồm những bức ảnh chưa từng thấy cũng như bão hình oval. Theo lịch trình, nhiệm vụ Juno sẽ kết thúc vào tháng 7/2021 nhưng NASA đã quyết định sẽ kéo dài tới tháng 9/2025 hoặc tới khi con tàu ngừng hoạt động. Juno sẽ không chỉ tiếp tục quan sát sao Mộc mà cả vành đai và những mặt trăng của nó, bao gồm Ganymede, Europa và Io.
Europa, mặt trăng lớn thứ 6 trong hệ Mặt Trời, là nơi có đại dương có thể ở được, theo nghiên cứu trước đây. Hồi tháng 8/2019, NASA xác nhận sẽ đưa tàu tới Europa để khám phá thiên thể này.
An Khang (Theo Fox News)