Chuyên mục  


Một cụm mộ cổ ở Kế Châu, Thiên Tân. Ảnh: China Daily.

Trung tâm Bảo vệ Di sản Văn hóa Thiên Tân hôm 22/10 thông báo phát hiện gần 900 ngôi mộ từ nhiều triều đại khác nhau ven hệ thống kênh đào Đại Vận Hà, Di sản Thế giới được tổ chức UNESCO công nhận ở miền bắc Trung Quốc. Dựa theo hình dáng, độ sâu và cổ vật khai quật gần đây, các ngôi mộ có niên đại từ thời nhà Tống (năm 960 - 1279) tới thời nhà Thanh (năm 1644 - 1911). Cụm mộ này bao gồm cả mộ đắp bằng đất và gạch, mộ hình tròn và vuông với kích thước từ nhỏ tới lớn. Đây là phát hiện độc đáo trong lịch sử 70 năm qua của ngành khảo cổ ở Thiên Tân và các khu vực dọc kênh đào.

Theo Trung tâm Bảo vệ Di sản Văn hóa Thiên Tân, công tác khai quật mộ bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 8 năm nay. Các nhà khảo cổ chủ yếu tập trung vào những ngôi mộ thời nhà Minh và Thanh. Gần 80 ngôi mộ từ hai triều đại này được khai quật cùng với hơn 100 cổ vật bao gồm bình gốm tráng men, đồng xu, phụ kiện cài tóc và gạch lát. Nhóm nghiên cứu cũng thu thập một số mẫu vật xương người ở di chỉ khảo cổ.

Yin Chenglong, người đứng đầu dự án khảo cổ, cho biết dự án khai quật quy mô lớn hàng trăm ngôi mộ tìm thấy ở khu vực xây dựng của một thị trấn gần Đại Vận Hà được tiến hành dần do điều kiện tại địa phương, khí hậu và nhiều yếu tố khác. Chen Yong, nhà khảo cổ học tham gia dự án, nhận định phát hiện cung cấp bằng chứng quan trọng để nghiên cứu công trình cổ đại Đại Vận Hà.

Đại Vận Hà, kênh đào dài nhất thế giới, được xây vào năm 486 trước Công nguyên với tổng chiều dài 1.776 km, bắt đầu từ Bắc Kinh ở miền bắc qua nhiều tỉnh và kết thúc ở Hằng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang.

An Khang (Theo Global Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020