Chuyên mục  


Gloria Ramirez, người phụ nữ nhập viện khiến nhiều nhân viên y tế đổ bệnh. Ảnh: Amusing Planet

Tối ngày 19/2/1994, Gloria Ramirez, 31 tuổi, được đưa vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Riverside ở Riverside, bang California. Ramirez, một bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, phàn nàn về nhịp tim không đều và khó thở. Trên đường đến bệnh viện, Ramirez được thở oxy và truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Khi vào đến phòng cấp cứu, cô gần như không còn tỉnh táo, nói thều thào, hơi thở nông và nhịp tim nhanh.

Nhân viên y tế tiêm cho Ramirez một hỗn hợp thuốc tác dụng nhanh để giảm triệu chứng. Khi chúng không hiệu quả, họ cố gắng dùng điện để khử rung tim. Lúc này, một số người nhìn thấy một lớp dầu bóng trên cơ thể Ramirez và ngửi thấy mùi giống tỏi từ miệng cô.

Y tá Susan Kane châm kim tiêm vào tay Ramirez để lấy máu và phát hiện một mùi giống amoniac. Kane đưa ống tiêm cho Maureen Welch, một nhà trị liệu hô hấp, để ngửi kỹ hơn. Welch ngửi ống tiêm trong tay và thấy mùi amoniac. Welch sau đó chuyển ống tiêm cho bác sĩ nội trú Julie Gorchynski. Gorchynski ngửi thấy mùi tương tự và còn phát hiện những hạt màu vàng nhạt bất thường trôi nổi trong máu.

Lúc này, Kane ngã quỵ và được đưa ra khỏi phòng cấp cứu. Ngay sau đó, Gorchynski cảm thấy buồn nôn và cũng ngã xuống sàn. Maureen Welch là người thứ ba ngất xỉu.

Đêm đó, 23 người đổ bệnh, trong đó 5 người phải nhập viện với các triệu chứng khác nhau. Gorchynski ốm nặng nhất. Cơ thể bà co giật và thở không đều. Bà cũng bị viêm gan, viêm tụy và hoại tử vô mạch ở đầu gối. Gorchynski phải dùng nạng suốt nhiều tháng.

Gloria Ramirez qua đời khoảng 45 phút sau khi nhập viện với nguyên nhân chính thức được ghi nhận là suy thận do ung thư di căn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cô đến các nhân viên phòng cấp cứu là một trong những bí ẩn y khoa khó hiểu nhất trong lịch sử hiện đại.

Nguồn gốc khí độc chắc chắn là Ramirez, nhưng các báo cáo khám nghiệm không cho kết luận rõ ràng. Khả năng phòng cấp cứu chứa hóa chất độc hại và mầm bệnh cũng bị loại trừ sau khi các chuyên viên kiểm tra kỹ lưỡng. Cuối cùng, cơ quan y tế địa phương tuyên bố rằng nhân viên bệnh viện nhiều khả năng đã trải qua một đợt bùng phát cuồng loạn tập thể, có thể do mùi gây ra. Kết luận này khiến nhiều nhân viên trực đêm hôm đó tức giận và cảm thấy đây là một sự xúc phạm đến tính chuyên nghiệp của mình.

nguoi-phu-nu-doc-khien-23-nhan-vien-y-te-do-benh-1735035282.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H7_-uDSEF33jr34Pl5aqmg
Người phụ nữ 'độc' khiến 23 nhân viên y tế đổ bệnh

Một bản tin về sự việc với lời chia sẻ của bác sĩ nội trú Julie Gorchynski. Video: Casper news

Cuối cùng, cơ sở nghiên cứu liên bang ở Livermore được yêu cầu xem xét lại các báo cáo khám nghiệm và báo cáo chất độc. Phân tích pháp y phát hiện nhiều hóa chất kỳ lạ trong máu của Ramirez, nhưng không chất nào đủ độc để gây ra những triệu chứng như nhóm nhân viên phòng cấp cứu gặp phải. Có nhiều loại thuốc khác nhau trong cơ thể Ramirez như lidocaine, Tylenol, codeine và Tigan. Cô là bệnh nhân ung thư nên thường xuyên cảm thấy đau đớn và nhiều loại thuốc kể trên được dùng để giảm đau.

Việc xác định nguồn gốc của mùi giống amoniac lại khá dễ dàng. Các nhà khoa học đã tìm thấy một hợp chất amoniac trong máu của Ramirez, có thể hình thành khi cơ thể phân giải thuốc chống buồn nôn Tigan mà cô đang uống.

Hợp chất kỳ lạ nhất trong máu Ramirez là dimethyl sulfone - hợp chất lưu huỳnh tồn tại tự nhiên trong một số loài thực vật và cũng tồn tại một lượng nhỏ trong thực phẩm, đồ uống, đôi khi cũng được sản xuất một cách tự nhiên trong cơ thể người từ axit amin. Nhưng trong máu và mô của Ramirez, nồng độ dimethyl sulfone rất lớn.

Các chuyên gia phân tích pháp y cho rằng dimethyl sulfone bắt nguồn từ dimethyl sulfoxide, hay DMSO, mà Ramirez có thể đã dùng để giảm đau. DMSO xuất hiện vào đầu những năm 1960 như một loại thuốc kỳ diệu và trở nên phổ biến trong giới thể thao để điều trị căng cơ cho đến khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phát hiện rằng việc tiếp xúc lâu dài sẽ gây tổn thương mắt. Việc sử dụng thuốc bị hạn chế ngoại trừ một số trường hợp nhất định.

Có khả năng Ramirez đã bôi DMSO để giảm đau. DMSO sau đó được hấp thụ qua da và đi vào máu. Khi các nhân viên y tế cung cấp oxy cho cô, dimethyl sulfoxide bị oxy hóa thành dimethyl sulfone. Chính lượng dimethyl sulfone này đã kết tinh thành những tinh thể màu vàng nhạt trong ống tiêm.

Dimethyl sulfone tương đối vô hại, nhưng nếu thêm một nguyên tử oxy khác vào phân tử, hợp chất sẽ biến thành dimethyl sulfate, một hóa chất thực sự độc. Hơi dimethyl sulfate sẽ lập tức giết chết tế bào trong các mô tiếp xúc. Khi được hấp thụ vào cơ thể, dimethyl sulfate gây co giật, mê sảng, tê liệt, hôn mê, thậm chí làm tổn thương thận, gan, tim. Trong những trường hợp nghiêm trọng, dimethyl sulfate có thể gây mất mạng.

Nguyên nhân khiến dimethyl sulfone trong cơ thể Ramirez chuyển thành dimethyl sulfate vẫn đang gây tranh cãi. Các nhà khoa học Livermore tin rằng sự chuyển đổi này xảy ra do nhiệt độ không khí lạnh trong phòng cấp cứu, nhưng giả thuyết này chưa được chứng minh. Các nhà hóa học hữu cơ cũng không ủng hộ vì sự chuyển đổi trực tiếp từ dimethyl sulfone sang dimethyl sulfate chưa từng được quan sát.

Một số chuyên gia khác cho rằng các triệu chứng của nhân viên bệnh viện không phù hợp với triệu chứng nhiễm độc dimethyl sulfate. Hơn nữa, nhiều tác động của dimethyl sulfate thường mất vài giờ mới xảy ra, trong khi các cơn ngất xỉu và triệu chứng khác của nhân viên y tế bắt đầu xảy ra chỉ vài phút sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Đến nay, DMSO vẫn là giả thuyết tốt nhất mà các chuyên gia pháp y có thể đưa ra, nhưng vẫn không giải thích được mọi thứ. Sự việc về Gloria Ramirez tiếp tục là một bí ẩn y khoa và hóa học lớn.

Thu Thảo (Theo Amusing Planet)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020