Chuyên mục  


Hội thảo Khu vực AI Connect II được tổ chức tại TP HCM từ 22 - 24/4 bởi Bộ Ngoại giao Mỹ; Hội đồng Đại Tây Dương, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Gần100 nhà hoạch định chính sách, quản lý cấp cao và đại diện các công ty công nghệ, học giả, các tổ chức khu vực cùng chia sẻ về những vấn đề đặt ra trong quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), những kinh nghiệm và giải pháp phù hợp với khu vực.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng châu Á - Thái Bình Dương đang được kỳ vọng trở thành một khu vực phát triển năng động trên thế giới. Theo đó các quốc gia thành viên nên tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm để củng cố hợp tác quốc tế, vì mục tiêu phát triển AI một cách bền vững.

Khẳng định những lợi thế từ AI, mang lại cơ hội đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội, chăm sóc sức khỏe, song Thứ trưởng cũng nhìn nhận những mối lo ngại về AI ở khía cạnh kinh tế xã hội và đạo đức.

Ông Duy cho biết, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược và chính sách quốc gia nhằm khai thác lợi ích của AI đồng thời giảm thiểu rủi ro bằng cách khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI có trách nhiệm; tận dụng AI trong các ngành cụ thể như vận tải và chăm sóc sức khỏe; xây dựng nhân lực; điều chỉnh các khung chính sách và quy định liên quan cũng như xây dựng các tiêu chuẩn; hợp tác quốc tế về AI.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: BTC

Theo bà Anne Benjaminson, Phó tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, AI Connect là chuỗi sự kiện khẳng định đóng góp của Mỹ cho quá trình phát triển một cách có trách nhiệm và toàn diện công nghệ AI, mang lại lợi ích cho mọi người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo đúng quy định tại Nguyên tắc AI của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

AI Connect II được thiết kế giúp các quốc gia thu nhập thấp và trung bình (LMICs) từ các nước Đông Nam Á tham gia hiệu quả hơn vào các cuộc trò chuyện toàn cầu về chính sách AI.

Các chuyên gia thảo luận tại AI Connect II. Ảnh: BTC

Trước đó OECD thừa nhận AI đang cách mạng hóa lối sống và làm việc, và mang lại lợi ích phi thường cho xã hội và nền kinh tế. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra những thách thức mới và lo lắng và mối quan tâm về đạo đức. Điều này đặt trách nhiệm lên các chính phủ để đảm bảo rằng các hệ thống AI được thiết kế theo cách tôn trọng các giá trị và luật pháp của con người, vì vậy sự an toàn và riêng tư của con người sẽ là tối quan trọng.

Hiện chưa có nguyên tắc quốc tế nào về AI. Nguyên tắc của OECD đang được các quốc gia phát triển AI tham khảo khi đưa ra các chính sách của mình.

Vĩnh Hà

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020