Khối ngọc thạch nằm trong hộp đồng hình mai rùa. Ảnh: Xinhua
Chiếc hộp độc đáo có thể hé lộ nhiều thông tin của nền văn minh cổ đại bí ẩn được khai quật ở một hố đất hôm 14/6 là phát hiện mới nhất ở Tam Tinh Đôi, di chỉ thuộc về nước Thục. Món đồ được đúc từ đồng với 4 con rồng canh gác ở mỗi góc. Một khối ngọc thạch lớn được đặt chắc chắn bên trong hộp với khóa cài tinh tế, dường như vẫn còn nguyên vẹn dù bị xói mòn đôi chút. Li Haichao, giáo sư khảo cổ ở Đại học Tứ Xuyên, trưởng nhóm khai quật, cho biết đây là phát hiện khiến ông bất ngờ nhất. "Món đồ vượt ngoài hiểu biết hiện nay của chúng tôi", Li chia sẻ.
Theo Li, chiếc hộp "độc nhất vô nhị" về hình dáng, thể hiện trình độ chế tác cao và thiết kế đặc sắc. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một số mẩu vàng ở mặt sau khối ngọc thạch khi cọ sạch hộp. Tuy nhiên, họ vẫn quan tâm hơn tới khối ngọc thạch ở bên trong và hy vọng có thể thu thập thêm manh mối quan trọng về nền văn minh cổ xưa đã tạo ra nó.
Từ khi bắt đầu khai quật trên quy mô lớn vào thập niên 1980, giới nghiên cứu đã phát hiện số lượng cổ vật khổng lồ ở di chỉ, chứng tỏ sự tồn tại của một vương quốc đã đạt tới trình độ cao về phát triển kinh tế và thành tựu kỹ thuật. Ở một số hố lớn chôn đồ hiến tế, các nhà khảo cổ tìm thấy một số đồ vật bằng đồng lớn và tinh xảo nhất thời cổ đại, bao gồm "cây sự sống" cao gần 4 m, mặt nạ bằng vàng rồng và nhiều tấm đồng mỏng như giấy in. Nhưng không có tài liệu nào còn sót lại về nước Thục được cho là từng tồn tại ở khu vực này, khiến giới nghiên cứu chỉ có thể đưa ra suy đoán về tín ngưỡng và tập tục phía sau các phát hiện.
Lei Yu, quản lý ở Bảo tàng Tam Tinh Đôi, cho biết họ kỳ vọng có thể tìm thấy ghi chép trên khối ngọc thạch. Trước khi mang chiếc hộp lên từ hố chôn, nhóm nghiên cứu phát hiện dấu vết của vải, có thể là tơ lụa, ở phía trên bề mặt khối ngọc thạch và các rãnh đồng. Vải lụa có thể có chữ viết và trên khối ngọc thạch có thể khắc chữ. Một số món đồ đồng khai quật ở Tam Tinh Đôi trước đây có nhiều họa tiết dường như là các biểu tượng trên bề mặt, nhưng các nhà nghiên cứu không coi đó là ngôn ngữ.
Hàng nghìn đồ tạo tác được thu thập ở Tam Tinh Đôi gần đây, nhiều cổ vật trong số đó có thể đến từ khu mỏ tiền sử trên dãy núi cách di chỉ khoảng 40 km. Nhưng đây là lần đầu tiên nhóm khảo cổ bắt gặp khối ngọc thạch được khóa trong chiếc hộp tinh xảo ở Trung Quốc. Li cho rằng món đồ có thể liên quan tới thế giới tâm linh.
Nền văn minh ở Tam Tinh Đôi tồn tại cùng thời với nhà Thương, một trong những triều đại đầu tiên ở Trung Quốc. Nhưng nhà Thương để lại số lượng lớn giáp cốt, đồ đồng, ngọc thạch khắc chữ viết. Trong đợt khai quật mới nhất, các nhà khảo cổ tìm thấy vài đồ vật hé lộ sự trao đổi văn hóa giữa hai nền văn minh. Ví dụ, một món đồ điêu khắc bằng đồng có hình người đàn ông đội chiếc bình thường thấy ở các di chỉ bên sông Hoàng Hà, trung tâm của nhà Thương. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng nước Thục nhiều khả năng có liên quan tới các xã hội ở Đông Nam Á hoặc Ấn Độ.
An Khang (Theo SCMP)