2021 được xem là năm mà camera trên smartphone có nhiều thay đổi thú vị. Nhiều sản phẩm tầm trung được trang bị những tính cảm biến 108 MP, chế độ chụp ảnh thiên văn. Trong khi đó, ở những mẫu máy cao cấp, camera thường được hợp tác sản xuất với một thương hiệu chuyên về máy ảnh. Ngay cả Google cũng không nằm ngoài cuộc đua về phần cứng camera trên dòng Pixel 6.
Tất cả những điều trên sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc đua về camera trên smartphone trong năm 2022.
Cải thiện công nghệ camera ẩn dưới màn hình
Năm 2020, ZTE đã giới thiệu chiếc smartphone đầu tiên có camera selfie ẩn dưới màn hình. Tuy nhiên, trong năm 2021, chỉ có một số chiếc máy như Xiaomi Mix 4 hay Samsung Galaxy Z Fold3 được trang bị công nghệ này.
Công nghệ camera ẩn dưới màn hình hiện vẫn chưa đạt được chất lượng như kỳ vọng (Ảnh: Android Authority).
Vấn đề của camera ẩn dưới màn hình nằm ở chất lượng tương đối tệ mà chúng đem lại. Sự chênh lệch về chất lượng giữa camera ẩn dưới màn hình và camera truyền thống hiện vẫn khá lớn và ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm của người dùng.
Trong năm 2022, nếu công nghệ này thu hút được sự quan tâm và tham gia phát triển của nhiều ông lớn trong ngành, chất lượng hình ảnh có thể sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều khả năng camera ẩn dưới màn hình sẽ chưa thể được trang bị nhiều trên những mẫu điện thoại cao cấp.
Cinematic Mode trên smartphone Android
Trên thế hệ iPhone 13, Apple đã giới thiệu chế độ quay video chân dung thông minh với tên gọi Cinematic Mode. Cinematic Mode cho phép điện thoại chuyển điểm lấy nét một cách thông minh và mượt mà từ chủ thể này sang chủ thể khác.
Cinematic Mode là chế độ quay video độc quyền của iPhone 13 (Ảnh: Android Authority).
Trên thực tế, chế độ quay video chân dung không phải là một tính năng mới khi nó đã từng xuất hiện trên một số sản phẩm của Samsung và Huawei. Tuy vậy, với sự tham gia của Apple, nhiều khả năng tính năng này sẽ sớm xuất hiện trên nhiều sản phẩm Android khác.
Ống kính RGBW
Ống kính RGBW lần đầu xuất hiện trên chiếc Huawei P8 ra mắt vào năm 2015. Trong khoảng thời gian từ 2015-2018, Oppo cũng giới thiệu một số sản phẩm được trang bị cảm biến này.
Cảm biến máy ảnh thông thường sẽ có các bộ lọc màu ánh sáng đỏ, xanh lá cây và xanh da trời. Tuy nhiên, cảm biến RGBW được bổ sung thêm bộ lọc ánh sáng trắng hỗn hợp, hứa hẹn mang lại khả năng thu sáng tốt và khử nhiễu tốt hơn.
Cảm biến RGBW được kỳ vọng sẽ mang lại khả năng thu sáng tốt hơn (Ảnh: Android Authority).
Có vẻ như, công nghệ này chuẩn bị được hồi sinh vào năm 2022, khi cả hai nhà sản xuất là Oppo và Vivo đều công bố sẽ tích hợp cảm biến RGBW trên một số thiết bị của họ trong tương lai. Bên cạnh đó, một số tin đồn cũng cho rằng dòng sản phẩm Galaxy S22 của Samsung cũng sẽ có cảm biến RGBW với độ phân giải 50 MP.
Nâng cao tính năng chống rung
Tính năng ổn định hình ảnh quang học (OIS) là một trong những tính năng gần như bắt buộc phải có trên hầu hết smartphone cao cấp trong nhiều năm qua. Thời gian gần đây, một số nhà sản xuất đang liên tục đưa ra nhiều giải pháp mới để cải thiện khả năng chống rung cho camera.
Tính năng chống rung quang học (OIS) sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các sản phẩm tầm trung trong năm 2022 (Ảnh: Android Authority).
Vivo được cho là sẽ tiếp tục phát triển tính năng micro gimbal vào năm 2022, tập trung vào khả năng chống rung của camera. Trong khi đó, Samsung cũng chuẩn bị tích hợp OIS lên dòng Galaxy A tầm trung của hãng. Trước đó, Oppo cũng đã trình diễn công nghệ OIS 5 trục vào đầu năm 2021 và hứa hẹn sẽ trang bị lên các sản phẩm của hãng vào năm 2022.
Có thể thấy, tính năng chống rung quang học đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và phát triển của các hãng. Chưa dừng lại ở đó, nó cũng sẽ được tích hợp trên nhiều mẫu điện thoại có giá cả phải chăng hơn, thay vì chỉ có trên smartphone cao cấp như trước.
Video 8K có chất lượng tốt hơn
Tính năng quay video 8K xuất hiện lần đầu trên chiếc Red Magic 3 vào năm 2019. Tuy nhiên, chất lượng video thu lại ở thời điểm đó khá thấp, chỉ đạt được 15 fps ở độ phân giải 8K. Trong năm 2021, với sự phổ biến của con chip Snapdragon 865, rất nhiều mẫu smartphone đã có thể quay video ở độ phân giải 8K và 30 fps.
Khả năng quay video 8K hiện vẫn chưa phát huy nhiều tác dụng trong điều kiện sử dụng thực tế (Ảnh: Android Authority).
Tuy vậy, với sức mạnh phần cứng ngày càng tăng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng video 8K trên smartphone sẽ có chất lượng cao hơn như khả năng quay 60 fps hay hỗ trợ HDR để cải thiện chất lượng hình ảnh.
Trang bị chip xử lý hình ảnh chuyên dụng
Hiện nay, hầu hết smartphone thường dựa vào các bộ xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP) tích hợp sẵn bên trong các bộ xử lý. Ví dụ, điện thoại trang bị chip Snapdragon thường sử dụng chip xử lý hình ảnh Spectra ISP.
Các bộ xử lý tín hiệu hình ảnh chuyên dụng được hứa hẹn sẽ mang đến khả năng chụp ảnh tốt hơn cho smartphone (Ảnh: Android Authority).
Tuy nhiên, một số mẫu máy cao cấp gần đây như Xiaomi Mix Fold, Vivo X70 Pro Plus và Oppo Find N đều được trang bị ISP chuyên biệt. Theo tuyên bố từ Xiaomi, con chip tùy chỉnh của hãng giúp mang lại những bức ảnh chụp thiếu sáng tốt hơn, cải thiện khả năng lấy nét cũng như cân bằng trắng. Trong khi đó, Vivo cho biết ISP của họ cung cấp khả năng giảm nhiễu, giúp tiết kiệm năng lượng.
Các bộ xử lý hình ảnh chuyên biệt đã được tích hợp trên một số thiết bị của Google từ năm 2017. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục nở rộ trên smartphone trong năm 2022.