Theo đó, Netflix chi nhánh tại Nhật Bản vừa chia sẻ trên trang Twitter chính thức của công ty một bộ phim hoạt hình ngắn với tiêu đề "The Dog & The Boy" (Chú chó và cậu bé). Bộ phim hoạt hình được vẽ theo phong cách anime (hoạt hình Nhật Bản), kể về câu chuyện cảm động giữa một cậu bé và vật cưng của mình - một chú chó robot bị bỏ rơi.
Đáng chú ý, Netflix Nhật Bản cho biết bộ phim hoạt hình này không được vẽ và sáng tác hoàn toàn bởi các nghệ sĩ là con người, mà có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo. Theo đó, trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng để vẽ nền cho bộ phim và điều ấn tượng là các khung nền do trí tuệ nhân tạo vẽ ra đều rất phù hợp với từng nhân vật, khung cảnh xuất hiện trong phim.
Netflix Nhật Bản cho biết bộ phim ngắn này là một dự án thử nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay thế con người, nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành công nghiệp phim hoạt hình tại Nhật Bản.
"Đây là một nỗ lực thử nghiệm để giúp ngành công nghiệp phim hoạt hình đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động. Chúng tôi đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo khung nền cho cả bộ phim hoạt hình dài 3 phút", Netflix chi nhánh Nhật Bản viết trên trang Twitter chính thức.
Bộ phim hoạt hình được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo gây nhiều tranh cãi (Video: Netflix).
Bộ phim hoạt hình của Netflix Nhật Bản đã "gây sốt" trên cộng đồng mạng, nhưng cũng tạo ra không ít tranh cãi. Nhiều cư dân mạng đã thừa nhận rằng bộ phim "The Dog & The Boy" có nét vẽ và cốt truyện hoàn hảo, tuy nhiên, nhiều người đã chỉ trích Netflix vì sử dụng trí tuệ nhân tạo để tránh phải trả tiền cho các họa sĩ là con người.
"Tôi không cho rằng việc thiếu hụt họa sĩ hoạt hình là nguyên do để các nhà làm phim tận dụng trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất. Đội ngũ họa sĩ hoạt hình tại Nhật Bản luôn đông đảo, nhưng bị đối xử bất công và phải nhận mức lương thấp, giờ đây trí tuệ nhân tạo sẽ giành luôn công việc của chúng tôi, thật đáng buồn", một họa sĩ vẽ hoạt hình người Nhật bình luận trên Twitter.
Một cảnh của bộ phim hoạt hình "The Dog & The Boy", với phần phông nền được vẽ bởi trí tuệ nhân tạo (Ảnh chụp màn hình).
Được biết, Netflix Nhật Bản đã hợp tác với Rinna - công ty chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nghệ thuật để thực hiện bộ phim hoạt hình kể trên. Rinna là công ty có trụ sở chính tại thành phố Jakarta (Malaysia) và chi nhánh tại Tokyo (Nhật Bản).
Theo truyền thông Nhật Bản, nhu cầu về các tác phẩm hoạt hình anime mới đã tăng vọt trong những năm gần đây, nhưng ngành công nghiệp này từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng lạm dụng lao động và trả lương thấp. Vào năm 2017, một họa sĩ vẽ phim hoạt hình người Nhật Bản đã qua đời trong khi đang làm việc, với nguyên do đột quỵ vì làm việc quá căng thẳng.
Theo một báo cáo vào năm 2021, bất chấp việc doanh thu ngành hoạt hình Nhật Bản tăng cao nhất mọi thời đại, đạt 18,4 tỷ USD, vì nhu cầu xem hoạt hình tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch, mức lương của họa sĩ vẽ hoạt hình tại Nhật Bản vẫn rất thấp, chỉ vào khoảng 200 USD/tháng hoặc từ 1.400 USD đến 3.800 USD/tháng đối với những họa sĩ hoạt hình nổi tiếng, khiến nhiều người phải tìm công việc khác có thu nhập cao hơn để lo cho gia đình và con cái.
Với việc trí tuệ nhân tạo đang ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng vào lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình, nhiều người lo ngại rằng các họa sĩ phim hoạt hình tại Nhật Bản sẽ không còn chỗ đứng và bị thất nghiệp hàng loạt.
Trước đó, khi trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào lĩnh vực nghệ thuật và sử dụng để vẽ tranh, nhiều họa sĩ chuyên nghiệp đã lên tiếng chỉ trích khi cho rằng những bức tranh do trí tuệ nhân tạo vẽ không có tính sáng tạo, mà chỉ sao chép lại phong cách và nét vẽ của các họa sĩ nổi tiếng, được nạp vào cơ sở dữ liệu của trí tuệ nhân tạo.
Không chỉ vẽ tranh, trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ còn làm thay con người nhiều lĩnh vực khác trong tương lai, bao gồm cả lập trình phần mềm, viết báo hay soạn nhạc…
Theo Vice/Kotaku