Chuyên mục  


Hội nghị dành cho nhà phát triển (WWDC 2022) diễn ra vào vài ngày trước đã công bố nhiều tính năng mới cho hệ sinh thái sản phẩm của Táo khuyết. Sự kiện đã thu hút được nhiều sự chú ý của người dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, đằng sau những thành công đó, Apple đang phải đối mặt với thực tế khó khăn tại Trung Quốc.

Khó khăn chồng khó khăn

Cụ thể, chuỗi cung ứng của tập đoàn ở Thượng Hải đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ của Táo khuyết tại quốc gia đông dân nhất thế giới cũng có xu hướng chững lại trong nhiều tháng qua.

Chỉ cách đây vài tháng, đất nước tỷ dân vẫn là thị trường đáng tự hào của Tim Cook khi Apple liên tục dẫn đầu doanh số bán hàng tại đây.

Theo tính toán của Nikkei Asian Review, hơn 50% trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple có nhà máy ở Thượng Hải hoặc các vùng lân cận. Cụ thể, hơn 30 nhà cung cấp của Apple có cơ sở ở Thượng Hải. Hơn 70 công ty sở hữu các nhà máy sản xuất ở Giang Tô. Phần lớn trong số đó nằm tại Côn Sơn và Tô Châu, 2 thành phố gần Thượng Hải.

Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi nên quyết sách tập trung vào thị trường Trung Quốc của Tim Cook giờ đây lại tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn bao giờ hết.

Hơn 90% sản phẩm của Apple hiện đều được sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Các vụ xô xát của công nhân tại các nhà máy liên tục diễn ra. Nguyên nhân đến từ các tập đoàn đã triển khai kế hoạch hoạt động khép kín, yêu cầu họ phải sinh hoạt và làm việc ngay trong nhà máy.

Việc bị cách ly khỏi xã hội lâu ngày với không gian hạn chế đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của lao động. Phần lớn công nhân ngoài giờ làm chỉ biết quanh quẩn một số hoạt động như chơi trò chơi điện tử, nói chuyện với đồng nghiệp, than vãn về áp lực… Mệt mỏi và thất vọng với chính sách này, nhiều người cố gắng trèo qua hàng rào nhà hoặc xông vào khu nhà ký túc xá của các đốc công.

Kế hoạch chuyển dịch sản xuất

Lường trước được tình hình này, CEO Tim Cook trong một buổi họp cổ đông đã khẳng định chuỗi cung ứng của họ mang tính toàn cầu. Ông còn cảnh báo các vấn đề chuỗi cung ứng có thể khiến Apple thiệt hại 8 tỷ USD trong quý II/2022.

Phóng viên Mark Gurman cũng cho biết chính sách phong tỏa Zero Covid của Trung Quốc đã tác động xấu đến lượng MacBook bán ra. Khách hàng tại thị trường Mỹ phải đợi đến 2 tháng nếu muốn đặt mua MacBook Pro 14 hoặc 16 inch. Tiến độ sản xuất MacBook Air mới nhất cũng bị đình trệ đến tháng 7.

Các nhà máy sản xuất linh kiện cho Apple chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những quy định chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Vì thế, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc chính là giải pháp hiệu quả nhất đặt ra cho Táo khuyết lúc này. Tim Cook có ý định đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc bằng cách mở rộng chuỗi cung ứng iPhone, iPad, MacBook ra các quốc gia khác.

Cụ thể, Táo khuyết hiện sản xuất một vài dòng iPhone ở Ấn Độ và Brazil, đồng thời chuẩn bị chuyển dịch cung ứng iPad và MacBook đến Việt Nam.

Song, thực tế lại cho thấy việc triển khai kế hoạch này không hề dễ dàng khi mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện ở Trung Quốc đã phát triển sâu rộng, khó có thể thiết lập một sớm một chiều ở những nơi khác. Bằng chứng là Foxconn từng mất hơn 30 năm để đạt đến quy mô như hiện nay và trở thành nơi làm việc của hàng trăm nghìn công nhân sản xuất.

Ngược lại, nhìn sang mặt tích cực, không thể phủ nhận rằng tình hình kinh doanh của Apple lạc quan hơn rất nhiều so với các đối thủ Android của mình. Mục tiêu sản xuất iPhone trong năm 2022 của gã khổng lồ công nghệ hầu như không thay đổi so với năm trước bất chấp những hạn chế của chuỗi cung ứng.

Theo Bloomberg, động thái hạn chế phụ thuộc sản xuất vào Trung Quốc của Apple, công ty lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị vốn hóa thị trường, có thể sẽ khiến quốc gia này dần mất vị thế trong lĩnh vực cung ứng vốn là thế mạnh của mình.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020