Những ngày qua, Asia Artist Awards 2019 (AAA) đang trở thành tâm điểm của sự chú ý khi lễ trao giải bất ngờ mở thêm 3 hạng mục trao giải cho các nghệ sĩ Việt Nam. Tưởng chừng, đây là một thiện chí của BTC đối với các nghệ sĩ chủ nhà nhằm đánh dấu kỷ niệm lần đầu giải được tổ chức ở Việt Nam. Nhưng đây cũng là điểm mấu chốt gây ra tranh cãi.
Từ chuyện các nghệ sĩ liên tục rút khỏi đề cử vì "không muốn fan bỏ tiền ra để bình chọn"
Tại các hạng mục, nổi bật là "Nhóm nhạc/ca sĩ được yêu thích nhất", các ca sĩ hàng đầu Vpop liên tục nối gót nhau từ chối tham gia ngay từ đầu hoặc đã có tên trong danh sách nhưng rồi rút luôn khỏi đề cử như: Sơn Tùng M-TP, Tóc Tiên, Soobin Hoàng Sơn, Gin Tuấn Kiệt, Erik, Chi Pu, Đức Phúc, OnlyC, Lou Hoàng... Một số nghệ sĩ đã nêu rõ lý do là "không muốn fan bỏ tiền ra để bình chọn".
Loạt nghệ sĩ Việt từ chối và rút tên khỏi danh sách đề cử hạng mục của "Nhóm nhạc/ca sĩ được yêu thích nhất".
Trên thực tế, nhiều năm nay, AAA đã áp dụng hình thức bình chọn cho thần tượng có trả phí ở các vòng sau của lễ trao giải. Năm 2019, tổ chức ở Việt Nam, BTC vẫn quyết định giữ nguyên thể lệ đó. Nghệ sĩ Việt đa phần tỏ ra không hài lòng và không mong muốn người hâm mộ của mình phải bỏ tiền ra để ủng hộ mình, chỉ bằng tình cảm thôi là đủ rồi. Trừ vòng Pre-Vote miễn phí, vòng Primary Vote và Second Vote đều phải trả phí bình chọn. Riêng Primary Vote, giá bình chọn là 15.000 VND/tin nhắn 25.000 VND/2 lượt bình chọn trên website. Đến cuối cùng, BTC quyết định huỷ luôn cả 3 hạng mục bình chọn của nghệ sĩ Việt vì nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Người hâm mộ phải ủng hộ thần tượng như thế nào mới thực sự đúng?
Ở các nền âm nhạc phát triển trên thế giới, khi mà thời đại công nghệ lên ngôi, các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, chia sẻ video cũng thể hiện quyền lực mạnh mẽ, quyết định sự thành công của một sản phẩm, một nghệ sĩ. Bên cạnh đó, những giải thưởng fan vote dần trở nên phổ biến hơn với nhiều hình thức đa dạng.
Lấy một ví dụ cụ thể như Kpop, nhờ vào đâu mà nền âm nhạc này lại trở nên thành công với mức độ phủ sóng ngày một rộng rãi như thế? Có lẽ một phần lớn là nhờ chính cộng đồng người hâm mộ Kpop đang ngày càng có những suy nghĩ và hành động ủng hộ thần tượng vô cùng tiến bộ. Người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền để mua album vật lý lẫn nhạc số để ủng hộ nghệ sĩ mà họ yêu thích; bỏ tiền mua những tấm vé concert để giao lưu và cháy hết mình cùng với thần tượng. Nếu như các nghệ sĩ đã bỏ hết tâm huyết, sức lực vào những sản phẩm để phục vụ khán giả thì họ cũng sẵn sàng đáp trả tình cảm bằng việc sẵn sàng bỏ tiền để bình chọn hay phải tải ứng dụng vote mỗi ngày, mang về cho idol nhiều giải thưởng danh giá.
Người hâm mộ Kpop sẵn sàng bỏ tiền mua những tấm vé concert để giao lưu và cháy hết mình cùng với thần tượng.
Văn hoá fandom của Kpop vô cùng tiến bộ. Fan sẵn sàng chi tiền để mua goods ủng hộ idol.
Việc mua album trở thành một thói quen nghe nhạc hiển nhiên của các fan Kpop.
Đối chiếu với Vpop, việc nghe nhạc miễn phí, xem concert miễn phí hay vote miễn phí dường như đã ăn sâu vào tâm lý của số đông khán giả. Nhưng điều này có thể sẽ tập một thói quen xấu cho người hâm mộ: thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật không có chọn lọc. Điều này dường như cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các sản phẩm của nghệ sĩ. Khi nghệ sĩ không thể thu lợi được trực tiếp từ khán giả, họ sẽ phải thông qua những nhà tài trợ, thương hiệu, nhãn hàng. Và bản sắc ban đầu của nghệ sĩ gửi gắm qua sản phẩm cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, không còn nguyên vẹn bởi yêu cầu của đối tác tài trợ.
Riêng việc bình chọn miễn phí, những chiếc phiếu mà họ chỉ cần click một cái là xong, liệu các vị "giám khảo" này có thực sự công tâm và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình? Vì vậy, là một giải thưởng fan vote, những hình thức cầu kỳ, thậm chí là có tính phí là điều hoàn toàn nên làm để nâng cao chất lượng giải thưởng.
Nhưng không phải lúc nào ủng hộ idol bằng vật chất cũng là đúng đắn
Tuy nhiên, không phải lễ trao giải nào có tính phí bình chọn hay đưa ra những hình thức cầu kỳ để vote cũng đều là chất lượng và đáng tin cậy. Như với trường hợp của AAA, phí bình chọn của lễ trao giải tại Việt Nam là hoàn toàn không hợp lý so với mặt bằng chung. Số tiền mà fan đổ vào việc bình chọn cũng không rõ sẽ đi về đâu. Như Produce 101 - một series tuyển chọn ra nhóm nhạc quốc dân nổi đình đám của Hàn Quốc - với mỗi phiếu bình chọn, fan chỉ mất khoảng 4.000 VND. Hơn hết, fan biết số tiền mình bỏ ra hoàn toàn là để phục vụ cho màn debut cũng như toàn bộ quá trình hoạt động trong tương lai của nhóm nhạc chiến thắng.
Tuy nhiên, chính người hâm mộ - những người đã hàng ngày bỏ phiếu để chọn ra một "nhóm nhạc quốc dân" - lại phát hiện đơn vị tổ chức cuộc thi là Mnet đã can thiệp vào số phiếu thực. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền fan bỏ ra cho thần tượng của họ là hoàn toàn vô nghĩa. Một làn sóng tẩy chay xuất hiện, nhóm nhạc chiến thắng X1 gặp rất nhiều bất lợi trong màn debut vào cuối tháng 8 vừa rồi khi bị cấm quảng bá trên nhiều sân khấu âm nhạc. Thế mới thấy, số phiếu bình chọn cần được công bố một cách minh bạch và công khai nhất có thể.
X1 - nhóm nhạc chiến thắng của Produce X 101 - gặp nhiều trắc trở sau nghi vấn gian lận kết quả phiếu bầu của Mnet.
Việc các nghệ sĩ bất ngờ rút khỏi danh sách đề cử tại AAA, không đúng cũng không hề sai. Nếu trung bình một fan muốn ủng hộ idol hết mình và bình chọn 6 lần một ngày (số lượt vote tối đa trong ngày theo thể lệ của AAA), trải qua 1 tháng bình chọn vòng Primary Vote họ sẽ phải trả 2,7 triệu VND, một cái giá quá đắt đỏ so với phần lớn lượng fan "hăng máu" vote chủ yếu là học sinh, sinh viên. Chưa kể, trong lịch sử, AAA cũng từng vướng vào nghi án can thiệp vào kết quả phiếu bầu gây xôn xao dư luận.
Giá phiếu bình chọn của AAA 2019 được cho là quá đắt so với mặt bằng chung.
Nếu như AAA đưa ra một mức giá phù hợp ngay từ đầu cũng như hé lộ số tiền mà fan bình chọn sẽ đi về đâu, có đầu tư cho những việc làm ý nghĩa gì không, thì có lẽ đã không phải rơi vào tình cảnh huỷ bỏ luôn hạng mục trao giải như bây giờ. Sau khi gây tranh cãi ở cả Việt Nam và Hàn Quốc với giá phiếu bình chọn đắt đỏ, hiện tại, AAA đã giảm xuống còn 25.000 VND/10 lượt (đối với khán giả Việt Nam) và 1 USD/10 lượt (đối với khán giả quốc tế). BTC cũng thay nhắn tin SMS bằng nạp tiền vào tài khoản trên website.
Tuy nhiên, việc bình chọn là hình thức hoàn toàn tự nguyện, BTC không hề ép buộc mọi người hâm mộ phải bỏ phiếu nên việc các nghệ sĩ đã xác nhận xuất hiện trong đề cử rồi đột ngột rút sẽ phần nào khiến hình ảnh của Việt Nam trong mắt các nhà tổ chức sự kiện âm nhạc nước ngoài. Bởi vì dù sao thì BTC AAA cũng mở 3 hạng mục đề cử giải thưởng cho nghệ sĩ Việt bởi sự thiện chí dành cho đất nước đăng cai tổ chức sự kiện năm nay.
Trong câu chuyện này, thật khó để kết luận rằng ai đúng, ai sai. Dù sao thì cả BTC lẫn các nghệ sĩ đều đang nghĩ cho người hâm mộ Việt.
Tạm kết
Người hâm mộ, đương nhiên sẽ ủng hộ thần tượng bởi chính trái tim của mình. Nhưng có lẽ rằng tình cảm thôi thì chưa đủ, phải làm như thế nào để biến nó trở thành hành động. Khán giả muốn có vị trí cao hơn trong lòng của nghệ sĩ thì cũng cần phải có một sức nặng nhất định bằng những hành động ủng hộ thiết thực.
Hiện tại, các sản phẩm âm nhạc Vpop đang dần xuất hiện và phổ biến trên các nền tảng nghe nhạc tính phí như Spotify, iTunes... tạo điều kiện để khán giả có cách nhìn nhận mới về tiếp cận các sản phẩm âm nhạc. Những concert solo của các nghệ sĩ Việt thường xuyên cháy vé cũng là một tín hiệu tích cực và đáng mừng đối với tinh thần ủng hộ thần tượng của người hâm mộ. Và nhìn những sản phẩm đứng đầu trên top trending Vpop dạo này cũng thấy fan Việt đang dần biết lựa chọn những sản phẩm có đầu tư và đầy tâm huyết của các nghệ sĩ. Hoàn toàn có quyền hy vọng về một thế hệ khán giả hiện đại đầy tiến bộ, có trách nhiệm trong việc nghe nhạc và biết ủng hộ idol đúng cách.
Fan Vpop dạo này cũng khác xưa rồi, cũng quen dần với việc mua vé...
... và quẩy hết mình cùng thần tượng tại concert.
Hy vọng về một thế hệ fan Vpop hiện đại và tiến bộ là một điều không quá xa vời ở thời điểm hiện tại.