Chuyên mục  


Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt 9 nghìn tấn, trị giá 14,2 triệu USD, tăng 70,4% về lượng và tăng 71,6% về trị giá so với tháng 2/2024; tăng 16,2% về lượng và tăng 12,4% về trị giá so với tháng 3/2023. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 3/2024 đạt 1.572 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 3/2023.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 26,6 nghìn tấn, trị giá 43,2 triệu USD, tăng 24,8% về lượng và tăng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.627 USD/tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.

image3-1714981711436-1714981711665673784612.png

Pakistan tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng có xu hướng giảm cả về lượng và trị giá trong 3 tháng đầu năm 2024. Xuất khẩu chè sang Pakistan giảm là do kinh tế nước này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn đến từ sự bất ổn của chính sách, hệ thống hành chính phức tạp, chính sách hạn chế nhập khẩu...

Mặc dù xuất khẩu chè tới thị trường chính giảm, nhưng lượng và trị giá xuất khẩu chè tới một số thị trường khác lại tăng rất mạnh, góp phần thúc đẩy ngành chè tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2024.

Đáng chú ý, Trung Quốc bất ngờ vượt Hoa Kỳ, trở thành thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 3 của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 1.027 tấn chè trong tháng 3, tương đương hơn 1,33 triệu USD, tăng 232,4% về lượng và tăng 45% về giá trị so với tháng 3/2023.

Tính chung 3 tháng đầu năm, quốc gia nước láng giềng đã nhập khẩu 1.912 tấn chè từ Việt Nam, tương đương hơn 2,6 triệu USD, tăng 181% về lượng và tăng 25,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Do mức tăng của lượng chè xuất khẩu cao hơn nhiều so với mức tăng của kim ngạch nên giá xuất khẩu chè bình quân sang thị trường Trung Quốc đã giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, đạt 1.372 USD/tấn, giảm 55,4%.

image4-1714981712862-1714981713010540638041.png

Điều đáng nói, Trung Quốc chính là nơi khai sinh ra trà và văn hóa uống trà. Nước này cũng chiếm vị trí số 1 về sản xuất và cung cấp chè trong nhiều thập kỷ. Các khách hàng của Trung Quốc bao gồm châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, quốc gia này sở hữu hơn 2 triệu ha đất trồng chè, phân bố chủ yếu ở tỉnh Vân Nam, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Tứ Xuyên và tỉnh Hồ Nam. Những vùng này rất lý tưởng cho các trang trại trồng chè cao. Trồng và sản xuất chè ở Trung Quốc là một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của quốc gia tỷ dân này.

Còn tại Việt Nam, cả nước hiện đang có khoảng 140.000 ha đất trồng chè. Diện tích chè đang cho thu hoạch là 130.000 ha, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/1ha. Chè là mặt hàng Việt Nam có trữ lượng Top 5 thế giới.

Việt Nam đang ngày càng có nhiều ưu thế trong hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè ở Trung Quốc. Cụ thể là Trung Quốc đang đối mặt với việc giống chè bị lão hóa. Các vườn chè lâu năm có độ tuổi 25 năm trở lên chiếm ¼ diện tích, cây chậm phát triển, dinh dưỡng mất cân bằng, sản lượng thấp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thiếu hụt công nhân hái chè lành nghề, gây khó khăn cho việc sản xuất chè chất lượng cao, chi phí nhân công tăng mỗi năm..

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020