Chuyên mục  


Tỉnh Đắk Nông được thành lập ngày 1-1-2004 trên cơ sở chia tách từ tỉnh Đắk Lắk. Tổng diện tích Đắk Nông là 6.514 km2, dân số khoảng 710.600 người với hơn 40 dân tộc anh em. Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

Nhân dịp đầu năm mới Quý Mão 2023, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

photo-7-16748289484811151556048.jpg

Đắk Nông là tỉnh "trẻ" của cả nước

+ Phóng viên: Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn song Đắk Nông đã nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Ông có thể nói rõ hơn về các chỉ tiêu này?

- Ông Hồ Văn Mười: Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, năm 2022, tỉnh Đắk Nông thực hiện vượt và đạt 11/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,59%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,61 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 19.280 tỉ đồng - tăng 14,5% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.475 tỉ đồng. Số lao động được tạo việc làm là 20.914 lượt người - vượt kế hoạch; đào tạo nghề cho 5.766 người; tăng thêm 13 trường đạt chuẩn quốc gia; hộ nghèo giảm 3,22%...

photo-6-16748289461831500659149.jpg

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

+ Đắk Nông đã làm gì để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh?

- Đắk Nông có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Về công nghiệp bauxite và năng lượng tái tạo, theo quy hoạch của Chính phủ, Đắk Nông có 13 khu vực mỏ bauxite với trữ lượng khoảng 5,4 tỉ tấn quặng nguyên khai. Đây là tiềm năng lớn để tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp khai thác bauxite và luyện nhôm của cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh được đánh giá có tiềm năng, lợi thế lớn để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cùng với nguồn nguyên liệu dồi dao để phát triển ngành công nghiệp chế biến cà phê, tiêu, điều, gỗ…

Về nông nghiệp, tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi để phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái cho năng suất cao và chất lượng tốt. Với lợi thế về tài nguyên đất, Đắk Nông thích hợp để phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất một số cây ăn quả đặc sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

photo-5-16748289440521308241233.jpg

Hồ Tà Đùng được ví là "Vịnh Hạ Long" trên Tây Nguyên

Nhờ có khí hậu, địa chất, cảnh quan, văn hóa đa dạng và phong phú, đặc biệt là có Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, cùng với nhiều điểm du lịch mới lạ như Tà Đùng, Nâm Nung, hệ thống các hồ, thác nước… đã tạo điểm nhấn cho du lịch Đắk Nông. Các giá trị văn hóa phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo, làm nền tảng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái của tỉnh.

Đắk Nông là điểm đến cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tới đầu tư.Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, y tế của tỉnh còn hạn chế; tỉnh chưa có trường đại học…

+ Từ chỗ là "vùng trắng" du lịch, Đắk Nông đã có những bứt phá thế nào để thu hút du khách?

- Dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng năm 2022, hoạt động du lịch của Đắk Nông dần khôi phục, có những chuyển biến tích cực và đang phát triển mạnh mẽ. Theo đó, tổng lượt khách du lịch năm 2022 đạt 512.500 lượt, tăng 306,4% so với năm trước; khách quốc tế ước đạt 2.000 lượt, tăng 186%. Các cơ sở lưu trú cũng được chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách.

photo-4-16748289416641421370671.jpg

Tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế trong phát triển năng lượng tái tạo

Đắk Nông có 10 dự án khu, điểm du lịch đã được tỉnh cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, 4 dự án đã đưa vào khai thác, đón tiếp du khách; các khu, điểm còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã chào đón rất nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư về du lịch.

Xác định tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Đắk Nông đã chú trọng quảng bá và kết nối du lịch thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sự kiện; thực hiện những chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài truyền hình, tạp chí… Tỉnh đã duy trì, vận hành hiệu quả trang "Du lịch Đắk Nông" trên website, Facebook, thường xuyên cập nhật, đăng tải những thông tin, địa điểm tham quan, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đắk Nông đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

photo-3-1674828937368253809866.jpg

Hoàng hôn trên hồ Đắk R'Tih

+ Ông có thể khái quát các dự án lớn của tỉnh đã và đang triển khai?

- Từ khi thành lập đến nay, Đắk Nông đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, sự kiện xúc tiến đầu tư theo hướng thu hút đầu tư gắn với nhu cầu đầu tư trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu tiếp cận thông tin, tìm hiểu, nghiên cứu, thực hiện các thủ tục cho đến quá trình triển khai thực hiện dự án. Ngoài nổ lực về công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh còn chủ động kết nối, mời gọi, gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đến nay, Đắk Nông đã thu hút 405 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 75.500 tỉ đồng, trong đó có 13 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn 17.533 tỉ đồng. Nhiều dự án đầu tư lớn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Thời gian tới, Đắk Nông sẽ tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, có sức lan tỏa như: Khu Du lịch sinh thái Hồ Đắk R’Tih, Khu Du lịch sinh thái - Văn hóa Tà Đùng; các nhà máy cơ khí, chế biến bauxite, sản xuất nhôm; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; dự án điện năng lượng tái tạo…

photo-2-167482893420090203442.jpg

Đắk Nông có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp khai thác bauxite và luyện nhôm của cả nước

+ Nhận ra những tồn tại để phấn đấu khắc phục cũng là cách để phát triển, thưa ông?

- Đúng vậy. Bên cạnh những kết quả đạt được - thể hiện sự nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Nông những năm qua, tỉnh xác định còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung tháo gỡ.

Đó là công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội với tầm nhìn chiến lược và dài hạn để định hướng, dẫn dắt các quy hoạch ngành. Về quy hoạch ngành, có sự chồng chéo trong quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bauxite, quy hoạch công viên địa chất. Nhiều khu vực có tiềm năng du lịch nhưng chưa được quy hoạch tổng thể, phân khu chức năng theo quy định. Những vướng mắc này dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để hoàn thiện thủ tục triển khai nhiều dự án. Không ít dự án được nhà đầu tư khảo sát xong nhưng chưa thể lập thủ tục đầu tư do chưa phù hợp quy hoạch, chồng chéo trong quy hoạch, dẫn đến nhà đầu tư phải chờ đợi, một số doanh nghiệp tìm cơ hội đầu tư ở địa phương khác.

photo-1-16748289312151589150369.jpg

Hệ thống núi lửa tạo ra Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Bên cạnh đó, Đắk Nông là tỉnh có cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đã có những chuyển biến tích cực nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính còn bất cập do hạn chế nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính yếu; chất lượng, số lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, chưa có những chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn lao động có trình độ, tay nghề cao…

"Vừa đi vừa chạy"

+ Từ khi làm Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông được nhiều người đánh giá là một lãnh đạo năng động, dám nghĩ, dám làm. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Xin cảm ơn những đánh giá, cảm nhận đó. Kết quả mà Đắk Nông đạt được là kế thừa thành quả của những thế hệ lãnh đạo đi trước. Với phương châm "vừa đi vừa chạy", Đắk Nông đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh tăng 8 bậc. Năm 2022, tỉnh có 11/11 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nổi bật là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng và vươn lên đứng vị trí thứ 2 khu vực Tây Nguyên.

Với tăng trưởng kinh tế khá, các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều bước phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn Đắk Nông đạt 59,81 triệu đồng, tăng hơn 6 triệu đồng/người so với kế hoạch đề ra, đưa Đắk Nông xếp vị trí thứ 3 khu vực Tây Nguyên.

Tỉnh thường xuyên chủ động kết nối, mời gọi, gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư…

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020