Chuyên mục  


base64-1732351191877436940490.jpeg

Đại diện lãnh đạo TP.HCM tặng hoa và sách "Lê Bá Đảng - Cuộc đời & Tác phẩm" tri ân ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê tại buổi ra mắt "Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng" - Ảnh: H.VY

Buổi khai mạc 'Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng' vừa diễn ra trang trọng, thân tình tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trưa 23-11, với sự góp mặt của lãnh đạo thành phố và đông đảo giới yêu nghệ thuật.

Đặc biệt, ông bà Lê Tất Luyện và Thụy Khuê - gia đình đã hiến tặng bộ sưu tập tác phẩm của danh họa Lê Bá Đảng cho bảo tàng - cũng bay từ Pháp về tham dự sự kiện ý nghĩa này.

'Nơi con người, vật chất và vũ trụ giao thoa'

Sinh thời, danh họa Lê Bá Đảng (1939 - 2015) từng muốn được đục núi và làm triển lãm trong một không gian như hang động. Ý nguyện và những bản phác thảo của ông đã truyền cảm hứng cho những nỗ lực thiết kế nên không gian lần này.

Việc thi công một không gian trưng bày với nhiều ý tưởng sắp đặt là cả thử thách, nhất là trong lòng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố được xếp hạng công nhận từ năm 2012.

Từ bộ sưu tập 236 tác phẩm, tư liệu quý do ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê hiến tặng, 27 tác phẩm hội họa, điêu khắc, tập sách tranh và bản khắc đã được lựa chọn để trưng bày cố định trong Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng.

Bước vào trưng bày, công chúng có dịp khám phá lần lượt ba chủ đề chính: Không gian, Sắc không và Tranh in. Các tác phẩm thuộc mỗi chủ đề đều được sắp đặt chỉn chu trong những thiết kế có chiều sâu, bày trí tỉ mỉ từ không gian đến ánh sáng trưng bày.

Tất cả nhằm nêu bật những nét đặc sắc trong phong cách sáng tạo và hành trình sáng tác, phản ánh tầm nhìn nghệ thuật cũng như triết lý sống độc đáo của họa sĩ Lê Bá Đảng.

base64-1732351191980639542975.jpeg

Thưởng thức một góc 'Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng' vừa ra mắt - Ảnh: H.VY

Với chủ đề Không gian, từ năm 1985, Lê Bá Đảng vượt qua các ranh giới truyền thống để sáng tạo nên loại hình nghệ thuật độc đáo kết hợp giữa hội họa, điêu khắc và chạm khắc nổi trên nhiều chất liệu.

Không gian của ông không chỉ là khung cảnh vật lý mà còn là cõi triết lý, nơi con người, vật chất và vũ trụ giao thoa.

Ở chủ đề Sắc không, trong chuyến trở về Việt Nam năm 1992, Lê Bá Đảng bắt đầu hình thành ý tưởng cho các công trình ngoài trời lấy cảm hứng từ triết lý Phật giáo "sắc tức thị không, không tức thị sắc".

Ông sáng tạo nhiều tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu thép, sắt… với hình thức rỗng, vừa mang tính hình tượng vừa chứa đựng ý niệm, không chỉ là tạo tác nghệ thuật mà còn mở ra một cách nhìn mới về nhân sinh quan, thế giới quan.

base64-17323511921241917628259.jpeg

Ông Lê Tất Luyện lặng ngắm các tác phẩm của Lê Bá Đảng ở chủ đề 'Sắc không' - Ảnh: H.VY

Chủ đề Tranh in - thủ ấn họa lại thể hiện sự sáng tạo không giới hạn của họa sĩ về sử dụng đa chất liệu, áp dụng các kỹ thuật in nổi, in thạch bản và in lưới để làm phong phú cách biểu đạt tác phẩm cả về nội dung và hình thức.

Hai tinh cầu, Thiên thai, Mặt Trái đất, Cõi tạm, Đường lên tiên… là những sáng tác kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật, chất liệu và quan điểm nghệ thuật của Lê Bá Đảng.

base64-17323511921971832599332.jpeg

Một góc chủ đề 'Tranh in - Thủ ấn họa' trong Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng - Ảnh: H.VY

Giao tình đặc biệt của những tấm lòng luôn hướng về quê hương

Theo họa sĩ Trần Thanh Bình - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, vượt lên trên mọi thành tựu nghệ thuật, điều đáng trân trọng ở họa sĩ Lê Bá Đảng chính là tình yêu tha thiết ông dành cho quê hương Việt Nam.

Dù sống và sáng tác tại Pháp, tâm hồn ông luôn hướng về đất nước. Nhiều tác phẩm trong trưng bày là kết tinh của tình cảm và niềm tự hào dân tộc mà họa sĩ gửi gắm qua nghệ thuật.

Có mặt tại sự kiện, nữ sĩ Thụy Khuê xúc động nhìn lại chặng đường 6 năm gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, từ ngày gia đình đưa tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu về nước năm 2018, sau đó là bộ sưu tập của danh họa Lê Bá Đảng năm 2023 đến nay.

Nếu lần đầu hồi hương là cuộc phiêu lưu còn nhiều hồi hộp, thì sau 6 năm, gia đình đã cảm nhận rõ mối giao tình sâu đậm với quê nhà, cùng niềm tin giao những tác phẩm nghệ thuật quý về với đất nước.

"Điều quan trọng sau cùng là những người xa quê gần cả cuộc đời như chúng tôi đều hướng về đất nước. Lê Bá Đảng luôn hiểu cái tha thiết trong đầu của mọi người và đã thực hiện điều trong tâm khảm chúng tôi, nhất quyết là thế" - bà Thụy Khuê nhấn mạnh.

Bà cũng cảm ơn bảo tàng đã thực hiện một cách toàn bích Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng hoàn toàn đúng với tinh thần Lê Bá Đảng mà gia đình được hiểu qua nhiều thập niên.

base64-17323511922751515518642.jpeg

"Hôm nay, anh Đảng ở trên trời nhìn xuống chúng tôi với lòng thân yêu quý mến. Anh ạ, thế hệ sau sẽ tiếp tục công việc sáng tạo của anh" - bà Thụy Khuê ghi lại cảm xúc tại 'Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng' cùng ông Trần Thanh Bình - Ảnh: H.VY

Phát biểu tại buổi ra mắt, ông Nguyễn Minh Nhựt, phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, nhấn mạnh việc đưa các tác phẩm từ Pháp về quê hương là dấu mốc quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố.

Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê, vì việc hiến tặng những tác phẩm nghệ thuật giá trị mà mình trân quý sau bao năm gìn giữ là một quyết định phi thường, khó có người làm được.

Thế nhưng hết lần này đến lần khác, ông bà đã chia sẻ những giá trị tinh thần to lớn này về với dân tộc Việt Nam.

"Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục tạo điều kiện để bảo tàng thực hiện ngày một tốt hơn sứ mệnh của mình, đảm bảo các tác phẩm nghệ thuật được bảo vệ an toàn và lan tỏa rộng rãi đến công chúng mọi miền" - ông Nguyễn Minh Nhật khẳng định.

Một số hình ảnh tại buổi ra mắt Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng:

base64-1732351192362211924187.jpeg
base64-17323511924372129322635.jpeg
base64-1732351192491533591915.jpeg
base64-17323511925722032822461.jpeg
base64-1732351192658949708478.jpeg
base64-17323511927191581111861.jpeg
base64-17323511927521262178101.jpeg

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020