Chuyên mục  


img6171-17334133673221968424496.jpg

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM Lê Tú Cẩm mong muốn đưa áo dài vào đời sống - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Các ý kiến này được chia sẻ ở tọa đàm Tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa trên nền tảng số do Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam TP.HCM tổ chức tại Đại học Kinh tế TP.HCM (quận 10, TP.HCM), vào ngày 5-12.

Tầm thường hóa áo dài nếu mặc không đúng cách

Bà Lê Tú Cẩm - chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM - nói hoạt động chính của hội là phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện hội có hai chi hội nắm di sản văn hóa áo dài là chi hội Bảo tàng Áo dài và chi hội Di sản văn hóa áo dài TP.HCM.

"Chúng tôi mong muốn các hoạt động góp phần đưa áo dài đi vào đời sống xã hội. Đối tượng đầu tiên chúng tôi hướng đến là nhà trường, học sinh. Bởi hình ảnh học sinh mặc áo dài là hình ảnh rất đẹp từ xưa đến nay. Mặc áo dài, nữ sinh giảm hẳn chuyện nghịch phá, bạo hành" - bà Tú Cẩm chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online.

Trước thực trạng nhiều trường THPT không chọn áo dài là đồng phục nên trong năm 2025, Hội Di sản văn hóa TP.HCM triển khai dự án đưa áo dài trở lại với học đường, để các em học sinh, sinh viên gắn với áo dài.

Bà Tú Cẩm nhấn mạnh với trào lưu, chuyển biến xã hội, mức sống và điều kiện hiện nay, đưa áo dài vào đời sống xã hội ở TP.HCM là thời điểm thích hợp, "công nhân mặc áo xanh đi làm, học sinh mặc áo dài đến trường".

Nghệ nhân Năm Tuyền nói với Tuổi Trẻ Online: "Chi hội Di sản văn hóa áo dài TP.HCM sẽ đến các trường biểu diễn, tặng áo dài cho học sinh. Thông qua đây, chương trình truyền cảm hứng về tình yêu áo dài trong học sinh.

Áo dài giới thiệu là áo dài truyền thống ứng dụng cho nữ sinh, nam sinh. Chất liệu không quá nóng, có thể giặt máy được".

mg-0705-1504577757942-1504592453983-1504598354990-1504598374706-17334136693612059831221.jpg

Các nữ sinh với áo dài trắng thướt tha - Ảnh: NAM TRẦN

Tuy nhiên, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - cho rằng không nên mặc áo dài cả tuần mà chỉ cần mặc một số ngày trong tuần như: chào cờ đầu tuần, các dịp lễ của trường, 8-3, 20-10, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11…

"So với trang phục dân tộc các nước khác, áo dài có lợi thế hơn như: cơ động hơn nhiều, thuận tiện cho cuộc sống hiện đại, tôn dáng người phụ nữ, nhà thiết kế dễ sáng tạo nên nhiều phong cách và màu sắc khác nhau…

Áo dài cần phải được mặc đúng cách mới tạo được sự duyên dáng, ngược lại sẽ làm tầm thường hóa tà áo dài" - bà Tôn Nữ Thị Ninh bộc bạch.

44c39e8419f6b5a8ece7-17098699655141171455570.jpg

5.000 người đồng diễn áo dài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ trong Lễ hội Áo dài TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Số hóa áo dài

Tọa đàm cũng đặt ra nhiều câu hỏi về số hóa áo dài. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam - cho biết chiến lược 5 năm tới của Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam sẽ quyết tâm xây dựng nền tảng số để quảng bá di sản văn hóa, trong đó có quảng bá di sản áo dài.

Bà Thanh Tâm cho rằng kênh truyền thông số này như tài nguyên di sản có thể khai thác hiệu quả trong quảng bá văn hóa.

Bà khẳng định phát triển nền tảng số là tất yếu, để du khách trong nước và nước ngoài hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.

Dịp này, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam TP.HCM kỷ niệm một năm thành lập. Trong năm qua câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Bà Phùng Thị Thu Thủy - chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam TP.HCM - cho biết trong thời gian tới sẽ phát triển không gian văn hóa Việt tại một số trường quốc tế để quảng bá các văn hóa độc đáo, tổ chức tọa đàm hằng quý về bảo tồn di sản, thưởng thức biểu diễn thời trang áo dài…

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020