Chuyên mục  


cotton-1733840012898-17338400131161381255577.jpg

Ashraf Bhanbro, một nông dân đến từ tỉnh Sindh, miền nam Pakistan, đã từng dành những mảnh đất rộng lớn màu mỡ để trồng bông. Anh hy vọng sẽ thu lời từ loại cây vốn là trụ cột của nền kinh tế phụ thuộc vào dệt may này. Tuy nhiên, giờ đây, bông là lựa chọn cuối cùng của Bhanbro.

“Tôi từng trồng bông trên gần hết 5.000 mẫu Anh (hơn 2.000 ha) đất của mình”, Bhanbro nói với Nikkei Asia. “Bây giờ, tôi ưu tiên trồng mía, lúa mì và rau. Tôi thà để đất hoang còn hơn là trồng bông”.

Sự thay đổi này phản ánh những thách thức ngày càng tăng mà ngành trồng bông ở Pakistan đang đối mặt. Biến khí hậu, thuế cao, vướng mắc quy định và thiếu hỗ trợ từ doanh nghiệp và chính phủ đã khiến sản xuất bông tại Pakistan suy giảm.

Ngành sản xuất bông của nước này từng đạt đỉnh 11-12 triệu kiện/năm nhưng giảm 33% so với năm 2023, xuống còn 5,2 triệu sự kiện tính đến ngày 30/11. Đây là mức thấp nhất trong 40 năm qua và cách xa mục tiêu 10,8 triệu kiện do chính phủ đặt ra.

Do sản lượng giảm, Pakistan ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, trở thành nước nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ. Nhu cầu nhập khẩu bông của Pakistan năm nay là 5,4 triệu kiện, trong đó 1,2 triệu đến từ Mỹ.

“Biến đổi khí hậu đã tàn phá vụ bông của Pakistan kể từ năm 2010, khi một trong những trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử đã xóa sổ toàn bộ vụ mùa màng”, Muhammad Faisal Ali, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Kinh tế Phát triển Pakistan (PIDE), cho biết.

Được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên toàn cầu, Pakistan đã trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt vào năm 2022, tiếp theo là những trận mưa tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Những trận lũ lụt đã nhấn chìm 1/3 đất nước, khiến nhiều vùng đất nông nghiệp rộng lớn chìm trong nước và sản lượng bông giảm.

Pakistan được xếp hạng là nước sản xuất bông lớn thứ 4 trên toàn cầu vào năm 2014, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu gây áp lực lớn lên nền kinh tế mong manh của Pakistan. Chỉ riêng nhập khẩu bông dự kiến sẽ tốn 2 tỷ USD, khiến dự trữ ngoại hối của nước ngày ngày một hao hụt.

Ihsanul Haq, chủ tịch Diễn đàn Nhà máy cán bông Pakistan (PCGF), cho biết: “Việc chi 2 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối vào thời điểm này là gánh nặng không đáng có đối với nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn”.

Tính đến ngày 5/12, dự trữ ngoại hối của Pakistan là hơn 12 tỷ USD. Trong khi đó, thâm hụt thương mại đạt 1,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu của năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6. Mặc dù đã thu hẹp 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 11, nhưng đây vẫn là thách thức khi nước này có nghĩa vụ thanh toán nước ngoài 30 tỷ USD trong năm tài chính hiện tại, theo Cục Thống kê Pakistan.

Trước tình cảnh này, mía đường đang nổi lên như một giải pháp thay thế, nhờ khả năng chống chịu và sinh lời tốt hơn.

Ngoài ra, nông dân dần trồng mía được tiếp cận các khoản vay ngân hàng, bảo hiểm nông nghiệp và giá được chính phủ bảo lãnh.

“Trong khi người trồng mía được hưởng lợi, người trồng bông phải tự lo liệu cho mình", Haq của PCGF cho biết. Chưa kể, bông trong nước phải chịu thuế bán hàng 18%, trong khi bông nhập khẩu được miễn, khiến sản xuất trong nước kém cạnh tranh hơn.

Việc thiếu nghiên cứu chất lượng và đổi mới trong công nghệ hạt giống cũng góp phần khiến ngành bông của Pakistan suy giảm. “Chúng tôi có hơn 220 loại hạt bông. Nhưng thủ tục hành chính rườm rà và các quy định lỗi thời đã cản trở nỗ lực cải thiện chất lượng hạt giống”, Muhammad Faisal Ali than phiền.

Các nhà sử học và khảo cổ học đã bày tỏ lo ngại về sự suy giảm của bông. Bông được trồng ở khu vực này từ năm 5000 TCN. “Bông đã được gieo trồng ở đây trong nhiều thiên niên kỷ, trở thành di sản vững chắc từ Thời đại đồ đồng”, Kaleemullah Lashari, nhà khảo cổ học của Pakistan cho biết. “Việc mất đi di sản này sẽ là một cú giáng đối với cả tổ tiên của chúng ta và trụ cột quan trọng của nền kinh tế”, ông nói.

Theo Nikkei Asia

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020