Scott Nolan, CEO của công ty khởi nghiệp General Matter, đang thực hiện trọng trách giúp Mỹ chấm dứt tình trạng độc quyền của Nga đối với uranium HALEU (uranium có hàm lượng cao, độ làm giàu thấp).
Nolan thành lập General Matter tại San Francisco trong năm nay. Startup này đặt mục tiêu sản xuất uranium HALEU cho nhiều nhà máy điện hạt nhân đã được quy hoạch, bao gồm các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) được kỳ vọng sẽ hoạt động vào những năm 2030.
HALEU là uranium được làm giàu ở mức 5-20%, có khả năng giúp các lò phản ứng công nghệ cao mới hiệu quả hơn. Nhiên liệu uranium được sử dụng trong các lò phản ứng ngày nay được làm giàu ở mức khoảng 5%. Các công ty công nghệ lớn như Amazon có kế hoạch xây dựng các lò phản ứng mới để phục vụ các trung tâm dữ liệu tiêu tốn điện năng.
“Chúng tôi không chỉ tập trung vào việc khôi phục năng lực làm giàu uranium trong nước mà cắt giảm chi phí”, Nolan cho biết.
Mục tiêu của General Matters là giảm một nửa chi phí làm giàu HALEU trong dài hạn, Nolan cho biết. HALEU chủ yếu được sản xuất tại Nga và giá dễ biến động, ước tính từ 25.000-35.000 USD cho mỗi kg.
Tháng 10, Bộ Năng lượng Mỹ đã trao các hợp đồng ban đầu cho 4 công ty bao gồm General Matters đang tìm cách sản xuất HALEU tại Mỹ. Bộ này có kế hoạch trao hợp đồng trị giá 2,7 tỷ USD cho General Matters nếu được Quốc hội phê duyệt trong những năm tới.
General Matters hiện không có cơ sở hạ tầng để sản xuất nhiên liệu uranium. Công ty sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ có kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng sẵn có trong ngành uranium.
Nolan không tiết lộ loại công nghệ nào mà General Matter dự định sử dụng để sản xuất HALEU. Sản xuất uranium chủ yếu là máy ly tâm quay với tốc độ cao. Một số công ty mới cũng đang cố gắng sử dụng tia laser để sản xuất nhiên liệu uranium.
Nolan từng làm việc tại công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk trong giai đoạn 2003-2007. Người phát ngôn của General Matters cho biết Nolan đã không liên lạc với Musk kể từ rất lâu trước khi lên ý tưởng thành lập công ty riêng vào năm 2023.
Bất chấp lệnh cấm vận kinh tế gần như hoàn toàn của Washington đối với Moscow, các công ty Mỹ vẫn mua uranium của Nga trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Những nỗ lực của ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ nhằm giải sự phụ thuộc vào Nga đều không mang lại kết quả.
Theo ước tính, khoảng 1/3 lượng uranium làm giàu được sử dụng ở Mỹ là nhập khẩu từ Nga. Gần một nửa lượng uranium được làm giàu trên thế giới được sản xuất tại Nga.
Theo các chuyên gia năng lượng hạt nhân Mỹ, nước này cần mất ít nhất 10 năm để thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào nguồn uranium từ Nga.
Tham khảo Reuters