Chuyên mục  


Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo khoa học Cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh gan mật tụy, do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 23/11. Đây là dịp các y bác sĩ tiếp cận những kinh nghiệm, kiến thức mới từ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến nhất.

Theo GLOBOCAN 2022, với hơn 24.500 ca mắc mới và 23.300 ca tử vong hàng năm, ung thư gan đang là gánh nặng cho rất nhiều người bệnh và toàn xã hội. Số ca tử vong vì ung thư gan tại nước ta tương đương với ca mắc mới, và cao nhất trong tất cả loại ung thư, cho thấy tỷ lệ chữa khỏi căn bệnh này rất thấp. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong cao là phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị và chi phí y tế cao.

PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, cho biết ung thư gan thường được chẩn đoán muộn vì bệnh không có triệu chứng ở giai đoạn sớm và sự giám sát không đầy đủ ở người có nguy cơ cao. Người bệnh thường mắc ung thư gan trên nền xơ gan do nhiễm viêm gan virus B, C hoặc xơ gan do uống quá nhiều rượu, bia; hoặc gan nhiễm mỡ, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc. Môi trường, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng là yếu tố nguy cơ.

Dấu hiệu của ung thư gan rất nhạt nhòa, chỉ khi nào khối u đạt đủ kích thước, nằm gần đường dẫn mật chính mới gây ra một số dấu hiệu như: chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, vàng da... 70% trường hợp có triệu chứng như vậy, đi khám được chẩn đoán ung thư gan thì đã ở giai đoạn tiến triển, hoặc muộn.

Ung thư gan được điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau, phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh gan đi kèm. Một số phương pháp như nút mạch, xạ trị, cắt gan, ghép gan, hay điều trị toàn thân... Song, điều quan trọng nhất vẫn là phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm, thời gian sống trên 5 năm tới 70-80%.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thế Anh

Tại hội thảo, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá các bệnh lý về bệnh gan mật tụy luôn là một gánh nặng y tế lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh lý ung thư gan, ung thư tụy, tổn thương gan do thuốc hay biến chứng xuất huyết tiêu hóa do xơ gan vẫn ở mức cao, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức cũng như cập nhật kiến thức cho đội ngũ y bác sĩ. Dịp này, các chuyên gia đến từ Nhật Bản có các báo cáo, chia sẻ mới nhất về căn bệnh này, từ chẩn đoán đến điều trị.

"Cần sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh ung thư gan, ung thư tụy để có thể xử trí, hướng tới việc cá thể hóa các phác đồ điều trị tối ưu", ông Cơ nói.

Nhóm nguy cơ cao như viêm gan B mạn tính, xơ gan, gan nhiễm mỡ do rượu, gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa, cần phải kiểm tra định kỳ từ 3 đến 6 tháng/lần. Qua các xét nghiệm và hình ảnh cận lâm sàng, các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ phát hiện những bất thường và đưa ra phương án điều trị sớm.

Lê Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020