Kết quả nghiên cứu vừa công bố trên Tạp chí Nội tiết lâm sàng & Chuyển hóa của Hiệp hội Nội tiết, cho thấy bệnh nhân đã "thuyên giảm hoàn toàn" triệu chứng tiểu đường sau khi theo chế độ nhịn ăn gián đoạn. "Thuyên giảm hoàn toàn" được định nghĩa là mức đường huyết trung bình (HbA1c) giảm dưới 6,5% trong ít nhất một năm sau khi ngừng dùng thuốc.
Tiểu đường type 2 là bệnh có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống như thói quen ăn uống hay tập thể dục, khác với tiểu đường type 1.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phương pháp nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm triệu chứng tiểu đường, tác động đến hơn 537 triệu người trên toàn thế giới", thạc sĩ Dongbo Liu, Đại học Nông nghiệp Hồ Nam, Trung Quốc, cho biết.
Nhịn ăn gián đoạn là một trong những hình thức ăn kiêng phổ biến được nhiều người áp dụng trong vài năm qua. Đây là thuật ngữ mô tả chế độ ăn uống và nhịn ăn có chu kỳ. Phương pháp giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu thụ thức ăn hoàn toàn, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt lượng calo dung nạp.
Có hai hình thức nhịn ăn gián đoạn: hạn chế thời gian ăn trong ngày (ăn 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại) hoặc nhịn ăn liên tục trong vòng 16 đến 24 giờ, hai lần một tuần.
Một người đang lên kế hoạch và thực đơn ăn kiêng với những món lành mạnh. Ảnh: Freepik
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã hướng dẫn 36 bệnh nhân ăn theo chế độ nhịn ăn gián đoạn trong ba tháng. Họ phát hiện gần 90% tình nguyện viên, gồm cả người dùng thuốc hạ đường huyết và insulin, có thể giảm lượng thuốc điều trị sau khi ăn theo phương pháp này. 50% trong đó thuyên giảm bệnh tiểu đường, ngừng dùng thuốc và duy trì tình trạng đó trong suốt một năm.
"Thuốc điều trị tiểu đường rất tốn kém, là rào cản đối với nhiều bệnh nhân đang cố kiểm soát căn bệnh. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chi phí thuốc giảm 77% ở người mắc bệnh tiểu đường sau khi nhịn ăn gián đoạn", Liu nói.
Dù vậy, các chuyên gia khuyến nghị cần thận trong khi sử dụng biện pháp này, ngay cả khi không mắc tiểu đường. Việc hạn chế lượng thức ăn dung nạp có thể gây ra tình trạng rối loạn ăn uống. Không ăn đủ calo mỗi ngày phù hợp với nhu cầu của bản thân có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thục Linh (Theo Science Daily)