Chuyên mục  


Sở Y tế TP HCM vừa phát thông tin nói rõ hơn về biến chủng Omicron. Kể từ khi biến thể B.1.1.529 của SARS-CoV-2 được tuyên bố là biến thể đáng lo ngại và được đặt tên Omicron vào ngày 26-11-2021, sự hiểu biết về biến thể này đã tăng lên đáng kể theo thời gian nhờ vào nghiên cứu hợp tác toàn cầu.

Đúng: Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta.

Sai: Omicron chỉ gây bệnh nhẹ.

Điều quan trọng là không nên đi trước về việc đánh giá mức độ nghiêm trọng và tác động tiềm ẩn của Omicron. Một số quốc gia đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng của Omicron thấp hơn so với Delta. Tuy nhiên, những tác động này chủ yếu được quan sát thấy ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao: tỷ lệ nhập viện và tử vong tương đối thấp hơn phần lớn là nhờ tiêm chủng, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương. Nếu không có vắc-xin, nhiều người có thể sẽ phải nhập viện.

Còn quá sớm để nói Omicron sẽ tác động như thế nào đối với các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn và đối với các nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP HCM (ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đúng: Omicron vẫn được xếp vào nhóm có nguy cơ cao đối với sức khỏe con người.

Sai: Do Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn nên ít trường hợp nhập viện hơn và hệ thống y tế sẽ thuận lợi hơn trong ứng phó.

Những rủi ro do Omicron gây ra vẫn rất cao vì một số lý do: Đã có dữ liệu chỉ ra rằng Omicron có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cả Delta. Mặc dù Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta, nhưng do tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ dẫn đến tăng số ca nhập viện, gây áp lực lên hệ thống y tế trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 và cả các loại bệnh khác.

Đúng: Vắc-xin là giải pháp bảo vệ tốt nhất chống lại Omicron.

Sai: Vắc-xin không có tác dụng chống lại Omicron.

Tiêm vắc-xin được kỳ vọng sẽ cung cấp sự bảo vệ quan trọng chống lại diễn tiến nặng của bệnh và giảm tử vong do Omicron gây ra, giống như các biến chủng khác vẫn đang được lưu hành. Cho đến thời điểm hiện nay, tỉ lệ nhập viện và tử vong do Omicron gây ra tương đối thấp là do đã có nhiều người được tiêm chủng. Tiêm chủng thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi rút, không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể hiện đang lưu hành bao gồm cả Omicron, mà còn có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh nặng do các đột biến trong tương lai của Covid-19.

Đúng: Người chưa tiêm vắc-xin là người có nhiều nguy cơ mắc Omicron nhất.

Sai: Người chưa tiêm vắc-xin không mắc bệnh nặng hơn.

Trông chờ những điều tốt nhất về Omicron không là giải pháp khôn ngoan. Ở các quốc gia nơi Omicron đã trở thành biến thể thống trị, số lượng lớn các trường hợp mắc Covid-19 mới đã dẫn đến nhiều trường hợp nhập viện hơn, và hầu hết những người cần điều trị tại các bệnh viện là những người chưa được tiêm chủng. Khi chưa có các biện pháp làm gián đoạn quá trình lây nhiễm Covid-19, người chưa được tiêm chủng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khuyến nghị hàng đầu hiện nay là: hãy tiêm đủ liều vắc-xin, cả liều nhắc lại.

Đúng: Omicron nguy hiểm hơn nhiều so với cảm lạnh thông thường.

Sai: Omicron giống như cảm lạnh thông thường.

Omicron không giống như cảm lạnh thông thường vì có nhiều khả năng khiến phải nhập viện. Đã có dữ liệu cho thấy người bị nhiễm Omicron phải nhập viện và đã có người tử vong. Đã có dữ liệu cho thấy người bị nhiễm Omicron cũng có nguy cơ phát triển cái gọi là tình trạng hậu Covid-19.

Đúng: Omicron có thể tái nhiễm ở những người trước đó đã mắc Covid-19.

Sai: Đã mắc Covid-10 thì sẽ miễn dịch với Omicron.

Nếu đã từng mắc Covid-19 trước đó thì vẫn nên tiêm vắc-xin, vì thực tế cho thấy vẫn có khả năng tái nhiễm Omicron, vẫn có nguy cơ bị bệnh nặng, nguy cơ truyền vi rút cho người khác hoặc nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài. Tiêm đủ liều vắc-xin, cho dù đã bị nhiễm Covid-19 hay chưa, là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể với Omicron để không bị bệnh nặng, không phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.

Đúng: Các mũi tiêm tăng cường có hiệu quả trong việc tăng cường bảo vệ cơ thể chống lại bệnh nặng do Omicron và các biến chủng Covid-19 khác.

Sai: Tiêm mũi tăng cường không có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng do Omicron.

Hiệu quả của vắc-xin Covid-19, cũng như nhiều loại vắc-xin khác như vắc-xin cúm, sẽ giảm dần theo thời gian, vì vậy nên cung cấp mũi tiêm nhắc lại. Mũi tiêm nhắc lại làm tăng khả năng bảo vệ của cơ thể chống lại bệnh nặng do Omicron và các biến thể khác của Covid-19. Khuyến cáo này đặc biệt quan trọng đối với những người thuộc nhóm nguy cơ, như những người trên 60 tuổi và những người có bệnh nền, những người có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng do nhiễm trùng. Nhân viên y tế cũng nên được tiêm nhắc lại do thuộc nhóm nguy cơ cao và nguy cơ lây lan cho những người dễ bị tổn thương khác khi họ chăm sóc.

Đúng: Mang khẩu trang là một biện pháp bảo vệ hiệu quả giúp giảm nguy cơ bị lây nhiễm và sự lây lan của Omicron.

Sai: Khẩu trang không có tác dụng phòng ngừa nhiễm Omicron.

Các bằng chứng có được cho đến nay cho thấy tất cả các biện pháp phòng ngừa chống lại biến thể Delta tiếp tục có hiệu quả chống lại biến thể Omicron, trong đó có giải pháp mang khẩu trang. Omicron đang phát triển nhanh chóng, do đó, ngoài việc tiêm vắc-xin, tất cả các biện pháp phòng ngừa khác như đeo khẩu trang; rửa tay; giữ khoảng cách; tránh không gian kín, hoặc tập trung đông đúc người; đảm bảo thông gió tốt,… tất cả đều cần thiết để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế.

Đúng: Dấu hiệu kết thúc của đại dịch Covid-19 vẫn chưa xuất hiện.

Sai: Việc xuất hiện của biến chủng Omicron với khả năng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn là dấu hiệu báo hiệu đại dịch sắp kết thúc.

Ở những quốc gia mà Omicron đang hoặc đã trở thành biến thể thống trị, đã có dữ liệu cho thấy số ca mắc Covid-19 tăng gấp đôi cứ sau mỗi 1,5 đến 3 ngày, hệ quả là số ca nhập viện tăng nhanh. Chấm dứt đại dịch đòi hỏi phải đạt được mức độ bao phủ tiêm vắc-xin chứ không trông chờ diễn biến tự nhiên của đại dịch.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020