Chuyên mục  


mun-nhot-1727260307420226223627.jpg

Bệnh nhân N. nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì mụn nhọt ở vùng góc hàm - Ảnh: Đ.N.

Nguy kịch vì coi thường mụn nhọt

Mới đây, bệnh nhân H.T.N. (31 tuổi, Long An) bị mụn nhọt ở góc hàm sưng đau hơn một tuần, ban đầu mụn chỉ nhỏ bằng hạt đậu sau đó sưng tấy, đau nhiều, đầu mụn có ngòi và xuất hiện tình trạng sốt cao.

Do đang chăm con nhỏ và tâm lý ngại đi bệnh viện nên chị đã tự mua thuốc ở tiệm thuốc tây về điều trị, tuy nhiên mụn nhọt không những không đỡ mà còn có dấu hiệu lan rộng.

Khi tổn thương nặng hơn, sưng và đau nhiều, chị N. mới lo lắng nên đến bệnh viện thăm khám.

Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận có khối sưng vùng góc hàm trái kích thước khoảng 5x5cm, giới hạn rõ, da đỏ, sờ nóng, ấn đau, có dấu phập phều, trên bề mặt da có lỗ rò, rỉ ít dịch mủ.

Bên cạnh đó, người bệnh đang cho con bú và có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, bệnh nhân được chuyển lên phòng phẫu thuật để mổ rạch ổ áp xe.

Người bệnh được tiếp tục điều trị thuốc kháng sinh kết hợp với bơm rửa hố mổ và thay băng mỗi ngày.

Sáu ngày sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện sau hơn một tuần điều trị.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Phú Hưng - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - chia sẻ bệnh viện đã điều trị rất nhiều trường hợp mụn nhọt dẫn đến áp xe vùng hàm mặt.

Nguyên nhân chủ yếu phát sinh ra bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào nang lông.

Nguy cơ tử vong do điều trị mụn nhọt sai cách

Bác sĩ Hưng chia sẻ thêm nhọt là dạng nhiễm trùng da, đầu tiên là từ lỗ chân lông hay tuyến dầu nhờn, mụn nhọt thường là bệnh lành tính nhưng không thể coi thường.

Lúc bắt đầu là vùng da nhỏ bị nhiễm trùng đỏ và một u mụn cứng lớn dần sau 4-7 ngày dịch mủ hình thành dưới da.

Áp xe là thuật ngữ chỉ tình trạng tổn thương xuất hiện bọc mủ sau khi bị viêm nhiễm, bọc này do vi khuẩn, xác bạch cầu và những mảnh mô vụn tạo nên.

Khi có dịch mủ nhọt lớn dần và đau hơn, da xung quanh nhọt chuyển sang màu đỏ và sưng, đỉnh nhọt có đầu nhân nhỏ màu vàng, trắng.

Đa phần bệnh có thể tự giới hạn và tự khỏi khi mụn nhọt bị vỡ mủ, thời gian này kéo dài khoảng 1-2 tuần.

Tuy nhiên, nếu như mắc phải vi khuẩn độc lực cao hoặc người bệnh có cơ địa suy giảm miễn dịch, có thể dẫn tới sốt cao, nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bệnh bao gồm: vệ sinh không đúng cách, viêm da, người có hệ miễn dịch suy yếu, người có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, bệnh gan, thận.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo, khi bị mụn nhọt nặng, người bệnh không được tự ý nặn hoặc chườm nóng, lạnh sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn, thậm chí nhiễm trùng máu.

Trong trường hợp nhẹ không có biểu hiện đau nhức, sốt, có thể đợi vài ngày cho mụn "chín" tự vỡ, có thể dùng bông y tế vô khuẩn thấm dịch lấy ra ngoài, sau đó rửa lại bằng betadin hoặc cồn IOD, tránh làm xước vùng vừa tháo mủ.

Tuyệt đối không đắp lá, đắp thuốc theo chỉ dẫn của người không có chuyên môn để tránh nhiễm trùng sốc phản vệ.

Nếu tình trạng mụn nhọt không có dấu hiệu cải thiện trong vòng 2 tuần, nên đi khám tại cơ sở y tế để có hướng điều trị thích hợp.

Bác sĩ Dương Lê Trung - khoa lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết thêm nhọt là một tình trạng nhiễm trùng da tại vị trí nang lông, tuyến bã nhờn. Nguyên nhân gây bệnh là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.

Bình thường vi khuẩn sống ký sinh trên da, nhất là ở vùng lỗ mũi, nách, kẽ mông… nhưng khi vi khuẩn hiện diện tại nang lông kết hợp với các yếu tố thuận lợi như béo phì, tiểu đường, tình trạng miễn dịch suy giảm vi khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh.

Tùy thuộc vào mức độ nặng sẽ có cách điều trị khác nhau. Với những nhọt nhỏ, đơn giản có thể chăm sóc, điều trị tại nhà, ngược lại nhọt lan ra nhiều hơn kèm theo các triệu chứng sốt, mệt mỏi cần đến bệnh viện thăm khám.

Để điều trị tại nhà cần chườm ấm bằng cách dùng khăn thấm nước ấm vừa phải, chườm 10-15 phút lên nhọt mỗi ngày cho đến khi nốt nhọt vỡ. Bên cạnh đó có thể cân nhắc dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi dùng.

Lưu ý khi nhọt vỡ ra dùng gạc vô trùng băng bó lại, che chắn cẩn thận, hạn chế tình trạng lây lan vi khuẩn cho vùng da xung quanh.

Làm gì để phòng tránh mụn nhọt?

Các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh mụn nhọt cần giữ vệ sinh môi trường sống, nhà cửa lau dọn thường xuyên, phòng ngủ thoáng mát, chăn gối cần được giặt phơi nắng, thay quần áo mỗi ngày, đặc biệt khi thấy ướt mồ hôi.

Không cạy, chà xát các mụn, rôm sảy trên da. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin, hạn chế thức ăn có đường, đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020