Chuyên mục  


Các bệnh nhân ung thư ở Anh sẽ được tiếp cận sớm với các thử nghiệm liên quan đến liệu pháp mRNA được cá nhân hóa, gồm vaccine ung thư, nhằm thúc đẩy hệ miễn dịch tấn công tế bào có hại.

Cụ thể, vaccine sử dụng cho bệnh nhân giai đoạn đầu và giai đoạn cuối. Sử dụng công nghệ mRNA, nó có thể huấn luyện hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư nói chung. Vaccine tạo phản ứng miễn dịch trong cơ thể người bệnh để tế bào T (tế bào miễn dịch) có thể sàng lọc và tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, đồng thời ngăn ngừa tế bào mới phát triển.

Ngày 6/1, BioNTech cho biết sẽ thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển mới ở Anh, làm việc cùng phòng thí nghiệm Cambridge, đặt mục tiêu cung cấp 10.000 liệu pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư từ tháng 9/2023 đến cuối năm 2029.

Nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân dựa trên công nghệ mRNA cũng là mục tiêu ban đầu của BioNTech, trước khi hãng hợp tác với Pfizer cho ra đời vaccine Covid-19.

Một lọ vaccine ung thư đang trong quá trình nghiên cứu tại viện nghiên cứu BioNTech ở Mainz, Đức, ngày 5/10. Ảnh: AFP

Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin cho biết các nhà khoa học đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ đại dịch, sau khi đồng hành cùng Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), các học giả, cơ quan quản lý và khu vực tư nhân trong việc phát triển thuốc nói chung.

"Mục tiêu của chúng tôi là đẩy nhanh quá trình phát triển các liệu pháp miễn dịch và vaccine sử dụng các công nghệ đã nghiên cứu trong hơn 20 năm. Dự án nhắm đến nhiều loại ung thư và bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới", ông nói.

Peter Johnson, Giám đốc Y tế lâm sàng về ung thư của Anh, cho biết công nghệ mRNA mới có khả năng thay đổi cách tiếp cận đối với một số căn bệnh.

Một số hãng dược khác như Moderna và Merck cũng đang thử nghiệm các loại vaccine ung thư. Tim Bierley, nhà vận động của nhóm Global Justice Now có trụ sở tại Anh, cho biết các hãng dược lớn có tiền lệ định giá quá cao đối với các loại thuốc mới, ngay cả khi sản phẩm được ngân sách tài trợ.

"Chính phủ có nghĩa vụ đạo đức là thúc đẩy BioNtech định giá vaccine hợp lý để mọi người đều có thể tiếp cận được", ông Bierley nói.

Thục Linh (Theo CNBC)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020