Chuyên mục  


3011-minh-hoa-bao-hiem-ky3-read-only-1732895369822733851621.jpg

Người mua đôi khi bị cuốn theo những quyền lợi hấp dẫn do bên bán đưa ra mà quên mất hàng loạt trách nhiệm của mình được quy định chi chít trong hợp đồng. Thậm chí người mua còn phải chịu những trách nhiệm mà họ chưa từng được biết.

Buộc khách hàng phải biết quy tắc bảo hiểm

Ông Phan Phú T. (36 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) là chủ xe tải 8 tấn do tài xế Đ. điều khiển bị tai nạn giao thông với xe đầu kéo vào ngày 11-9-2020 khiến tài xế Đ. tử vong.

Khi mua xe, ông T. có mua bảo hiểm xe của tổng công ty B.V. (công ty). Tuy nhiên sau khi xảy ra tai nạn, công ty đã từ chối chi trả tiền bảo hiểm cho xe ông T. với lý do tài xế đã vi phạm điểm 12.9 điều 12 (quy tắc 6556 - người điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu bị cấm theo quy định pháp luật).

Theo đơn khởi kiện ban đầu, ông T. yêu cầu công ty trả tiền bảo hiểm xe cho mình với số tiền 552 triệu đồng.

Ông T. không thống nhất với quy tắc 6556 như phía bị đơn trình bày mà cho rằng theo hợp đồng bảo hiểm thì phải áp dụng quy tắc 9998. Đồng thời cho rằng nồng độ cồn của tài xế là do uống nước trái cây chứ không phải rượu bia.

Vụ án được Tòa án nhân dân TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa này, ông T. thay đổi mức yêu cầu bồi thường thành 417 triệu đồng, căn cứ theo báo giá của đơn vị sửa chữa. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T..

Không đồng ý với phán quyết trên, công ty bảo hiểm kháng cáo bản án sơ thẩm.

Theo tòa án cấp phúc thẩm, nếu muốn áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm chi trả thì phải quy định trong hợp đồng và giải thích cho bên mua bảo hiểm. Trong khi hợp đồng giữa ông T. và công ty đều không có quy định về điều khoản loại trừ nồng độ cồn của người lái xe khi tham gia giao thông.

Phía bị đơn cho rằng cần đảm bảo phán quyết không tạo tiền lệ cho các lái xe có uống rượu bia khi tham gia giao thông là phù hợp. Nhưng hội đồng xét xử cho rằng trường hợp này không có cơ sở xác định tài xế đã sử dụng rượu bia, vì theo công văn giải thích của Hội đồng giám định pháp y tỉnh Tiền Giang thì kết quả nồng độ cồn 18mg/dl là không quá cao.

Máy xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của nơi điều trị như các bệnh viện không thể phân lập rõ được nồng độ cồn này là do uống rượu hay uống nước ngọt có gas. Do vậy, có thể nồng độ cồn này là do uống nước ngọt có gas.

Bên cạnh đó, hội đồng xét xử căn cứ hợp đồng còn cho rằng lẽ ra công ty bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ theo hợp đồng là 700 triệu đồng, nhưng phía nguyên đơn cung cấp bảng báo giá 417 triệu đồng là có lợi cho bị đơn, do đó không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Chủ xe phải chịu trách nhiệm với quy định... chưa từng biết

Năm 2017, ông Ngô Quốc B. và công ty L. xác lập hợp đồng bảo hiểm cho xe Mercedes của ông B., toàn bộ phí bảo hiểm do công ty bán xe cho ông B. đóng theo chương trình quà tặng.

Ông B. là người thụ hưởng bảo hiểm nhưng không được nhận hợp đồng và không được cung cấp quy tắc bảo hiểm mà chỉ được nhận bản scan tóm tắt hợp đồng.

Cuối năm 2018, khi lái xe trên đường trong điều kiện mưa bão thì động cơ ngừng hoạt động nên ông B. liên hệ công ty L. yêu cầu xe kéo và đến lập biên bản hiện trường thì công ty L. không đến. Để hạn chế thiệt hại, ông L. tự liên hệ xe kéo đưa chiếc Mercedes đến gara của hãng xe.

Theo bảng báo giá, chi phí sửa chữa chiếc xe là 889 triệu đồng. Nhưng công ty L. căn cứ kết luận của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM và quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe để từ chối bồi thường vì cho rằng ông B. đã cố tình khởi động lại xe khi động cơ đang ngập trong nước.

Do đó, ông B. kiện công ty bảo hiểm để yêu cầu bồi thường số tiền sửa xe là 611 triệu đồng, chi phí kéo xe 2 triệu đồng và lãi suất chậm trả, tổng cộng là 817 triệu đồng. Tuy nhiên công ty bảo hiểm chỉ đồng ý trả 2 triệu đồng chi phí kéo xe.

Xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân TP.HCM cho rằng lẽ ra trong trường hợp này, khi bị đơn giao kết hợp đồng với nguyên đơn thì bị đơn có trách nhiệm giao cho nguyên đơn giấy chứng nhận bảo hiểm, quy tắc bảo hiểm của công ty... và phải giải thích cho nguyên đơn biết các điều khoản loại trừ trách nhiệm, nhưng bị đơn không thực hiện là vi phạm khoản 2 điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Từ đó, hội đồng xét xử tuyên buộc công ty L. bồi thường bảo hiểm cho ông B. số tiền tổng cộng 803 triệu đồng.

Cần hạn chế những hợp đồng vô hiệu

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng phần lớn các vụ tranh chấp phát sinh là do giữa khách hàng và đơn vị kinh doanh bảo hiểm không thể thống nhất về các điều khoản bảo hiểm hoặc đơn vị kinh doanh bảo hiểm từ chối chi trả khi phát sinh sự kiện bảo hiểm đã được thỏa thuận trong hợp đồng bởi nhiều lý do.

Các vụ tranh chấp đều có sự khác biệt đặc thù, trong đó đối với các vụ tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm, nội dung dẫn đến sự tranh chấp giữa các bên nhiều nhất chính ở các điều khoản của hợp đồng.

Trên thực tế đã phát sinh nhiều vụ việc mà đơn vị kinh doanh bảo hiểm đã cố tình giải nghĩa các điều khoản của hợp đồng theo hướng bất lợi cho khách hàng để không phải bồi thường cho khách hàng khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.

"Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, một trong những nội dung dễ dẫn đến tranh chấp giữa các bên chính là điều khoản về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.

Theo quy định hiện hành thì có đến 11 trường hợp có thể dẫn đến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, hậu quả của việc vô hiệu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng và thậm chí gây thiệt hại đến số tiền mà khách hàng đã bỏ ra để đóng phí của hợp đồng.

Do đó để khắc phục tình trạng trên, cần phải tiến hành sửa đổi quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm theo hướng tinh gọn hơn trong thời gian sắp tới, hạn chế lại các trường hợp hợp đồng vô hiệu để các đơn vị kinh doanh bảo hiểm không thể lợi dụng nhằm mục đích ký kết các hợp đồng giả cách lừa dối khách hàng", ông Hậu phân tích.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020