Chuyên mục  


base64-1727540839898999896670.jpeg

Trong vụ án Alibaba, cơ quan tố tụng thu giữ nhiều thỏi kim loại màu vàng nhưng khi giám định thì không phải là vàng nên Hội đòng xét xử đã tuyên trả lại cho bị cáo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong một số vụ án tham nhũng và kinh tế, trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã tiến hành thu giữ túi xách, quần áo, giày dép và bộ sưu tập đồng hồ hàng hiệu trị giá hàng tỉ đồng với các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Hermes, Louis Vuitton, Rolex, Patek...

Vậy túi xách, quần áo, giày dép, đồ trang sức là sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng đắt đỏ… có được xem là tài sản để khắc phục hậu quả không? Việc định giá, thu hồi tài sản thực hiện thế nào?

Túi xách, quần áo, giày dép hàng hiệu vẫn được coi là tài sản

Theo luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, hoặc có thể bị tịch thu tài sản, hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại, thì đối với các tài sản như túi xách hàng hiệu, đồng hồ, trang sức kim cương hay quần áo hiệu của bị can, bị cáo thì vẫn có thể được xem là tài sản để khắc phục hậu quả.

Bởi lẽ Bộ luật Hình sự không quy định nội hàm tài sản dùng để kê biên trong vụ án hình sự là các loại tài sản nào. Do đó, căn cứ theo quy định về tài sản tại điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì "tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai".

Như vậy, khi kê biên chỉ cần thỏa mãn điều kiện để được xem là tài sản theo Bộ luật Dân sự và là tài sản thuộc quyền sở hữu của bị can, bị cáo (không kể là tài sản chung hay tài sản riêng) thì vẫn có thể bị kê biên để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.

Ngoài ra, khi kê biên tài sản thì người có thẩm quyền chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Đồng thời, do thời hạn điều tra, truy tố có hạn nên trong một số vụ án chỉ kê biên các tài sản có đăng ký như bất động sản, ô tô… để thuận tiện cho việc chứng minh chủ sở hữu tài sản là bị can, bị cáo và việc kê biên các tài sản đó là đã tương ứng so với phần khắc phục hậu quả của bị can, bị cáo.

Do vậy, đối với vấn đề kê biên thời trang hàng hiệu, kim cương hay túi hiệu thì mới xuất hiện trong một số vụ án gần đây, nhưng vấn đề pháp lý điều chỉnh thì đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng tại điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Có những chiếc túi hiệu giá trị hơn cả căn nhà

Một thẩm phán công tác tại TAND cấp cao ở TP.HCM (đã nghỉ hưu) cho biết trước hết phải xác định mục đích thu giữ tài sản để làm gì. Tài sản đó là tang chứng, vật chứng hay tài sản để đảm bảo thi hành án. Đối với tài sản để đảm bảo thi hành án thì dù 1 đồng cũng là tài sản, vẫn có thể kê biên như bình thường, còn hơn là không có đồng nào để thi hành án.

Thực tế có nhiều vụ án tham nhũng hoặc lừa đảo, cơ quan tố tụng đã kê biên nhiều tài sản như tivi, tủ lạnh, nhà cửa… để đảm bảo thi hành án. Vì căn nhà to nên người ta thường nghĩ đó là tài sản lớn, giá trị cao, nhưng thực tế một căn nhà phố chưa chắc đã giá trị bằng một chiếc túi hiệu.

Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu như túi hiệu, quần áo hiệu, đồng hồ hiệu… không có chứng nhận sở hữu, không biết của ai thì lấy cơ sở nào để kê biên? 

Theo vị này, nếu bị can, bị cáo không thừa nhận đây là tài sản của mình, cơ quan điều tra sẽ có nhiều cách để chứng minh như nếu đồ mượn thì mượn của ai, mức độ thân thiết ra sao, cho mượn vào thời gian nào, mua ở đâu, có hóa đơn không? Tuy nhiên, đồ hiệu lúc họ mua có thể giá trị 100 tỉ nhưng lúc bán đấu giá có thể giá trị không cao, song nguyên tắc vẫn phải thu giữ để đảm bảo khắc phục.

Luật sư Nguyễn Đức Huy (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng trong nhiều vụ án, tài sản như máy tính, điện thoại… cũng bị kê biên. Đơn cử trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty địa ốc Alibaba, bên cạnh việc kê biên nhiều quyền sử dụng đất, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều ô tô, điện thoại, máy tính và cả thỏi kim loại màu vàng (mà sau đó giám định kết luận không phải là vàng).

Tùy vào tính chất của vật bị thu giữ trong quá trình điều tra sẽ có các hướng xử lý khác nhau. Cụ thể, trường hợp vật bị thu giữ, tạm giữ là tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. 

Trường hợp vật bị thu giữ, tạm giữ không phải là vật chứng thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Trường hợp trong các vụ án tòa án tuyên buộc bị cáo phải thực hiện các biện pháp tư pháp như bồi thường thiệt hại thì vật bị thu giữ, tạm giữ có thể bị tòa án tuyên kê biên hoặc tiếp tục tạm giữ để đảm bảo việc thi hành án, bồi thường thiệt hại.

Đối với những tài sản phải kê biên để đảm bảo thi hành án, thực hiện nghĩa vụ bản án thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, những tài sản (là đồ hiệu) phải được định giá, đấu giá.

Một thẩm phán đang công tác tại TP.HCM cho rằng việc bán đấu giá những tài sản là đồ hiệu này sẽ khó được giá như đồ hiệu đã được bán tại các cửa hàng đồ hiệu trước đó. Vì đối với nhiều loại trang sức đồ hiệu thì ngoài chất liệu, người mua còn phải mua thêm giá trị thương hiệu của món tài sản đó. 

Tuy nhiên, khi đấu giá thi hành án thì tài sản đó được giám định về chất liệu, hình thức, chứ thương hiệu của tài sản thì tùy thuộc vào người mua có mua giá thương hiệu hay không.

Tổ chức bán đấu giá theo quy định pháp luật

Theo luật sư Đặng Hoài Vũ, đối với vấn đề xử lý các tài sản nói trên thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo các quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014. Cụ thể, đối với các tài sản như kể trên sẽ được định giá để bán đấu giá.

Trước tiên, việc định giá để làm giá khởi điểm bán đấu giá sẽ thông qua tổ chức thẩm định giá trên địa bàn nơi có tài sản kê biên. Sau khi có giá khởi điểm, nếu trường hợp giá trị tài sản trên 10 triệu đồng thì việc bán đấu giá sẽ do tổ chức bán đấu giá thực hiện. Trường hợp giá trị từ 2 đến 10 triệu đồng thì sẽ do chấp hành viên bán đấu giá thực hiện.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020