Vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 được phóng tại bãi phóng Tongchang-ri, ven biển miền tây, lúc 22h42 (20h42 giờ Hà Nội) ngày 21/11, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA đưa tin hôm nay.
Vụ phóng sử dụng tên lửa đẩy Chollima-1. Tên lửa bay như dự kiến và đưa Malligyong-1 lên quỹ đạo lúc 22h54'13", sau khi phóng 705 giây. Lãnh đạo Kim Jong-un đã theo dõi và chúc mừng các quan chức, nhà khoa học, kỹ thuật viên tham gia sự kiện.
Đây là quyền hợp pháp của Triều Tiên để tăng cường khả năng tự vệ, KCNA cho biết, thêm rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng thêm vệ tinh trinh sát "trong tương lai gần".
Giới chức Mỹ, Hàn Quốc chưa xác nhận vụ phóng của Triều Tiên thành công và đang phân tích thông tin. Một quan chức của Seoul nói có thể coi Triều Tiên thành công "nếu vệ tinh bay vài vòng quỹ đạo quanh Trái Đất".

Tên lửa Chollima-1 của Triều Tiên trong vụ phóng ngày 31/5/2023. Ảnh: KCNA
Quân đội Hàn Quốc ngày 21/11 thông báo Triều Tiên đã phóng tên lửa mang theo vệ tinh quân sự từ bãi thử tên lửa Tongchang-ri. Tên lửa bay theo hướng nam, qua vùng biển phía tây đảo Baengnyeong. Vụ phóng diễn ra sớm hơn so với khung thời gian Bình Nhưỡng thông báo trước đó.
Hàn Quốc lên án vụ phóng. Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc thông báo sẽ đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự năm 2018 với Triều Tiên. Thủ tướng Han Duck-soo sẽ họp nội các bất thường trong ngày 22/11 để bàn về quyết định này.
Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Triều Tiên có thể đã phóng một tên lửa đạn đạo. "Việc sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo phóng vệ tinh rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an", Thủ tướng Kishida nói, thêm rằng ông lên án mạnh mẽ vụ phóng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hiroyuki Miyazawa nói Tokyo "đang phân tích xem vụ phóng của Triều Tiên thành công hay thất bại".
"Vụ phóng vi phạm trắng trợn các nghị quyết Hội đồng Bảo an, làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ gây bất ổn an ninh khu vực", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/11.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nhiều nghị quyết kêu gọi Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006.
Các chuyên gia cho biết việc đưa thành công vệ tinh trinh sát vào quỹ đạo sẽ cải thiện khả năng thu thập thông tin tình báo của Triều Tiên, đặc biệt thông tin liên quan Hàn Quốc, và cung cấp dữ liệu quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào.

Vị trí bãi phóng Tongchang-ri ở Triều Tiên. Đồ họa: CSIS
Như Tâm (Theo Yonhap, Reuters)