Chuyên mục  


base64-17328616924581976728776.jpeg

Quán bún bò Huế của bà chủ Cẩm Hương tại đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh - Ảnh: LÊ MINH

Tọa lạc trên đường Lê Duẩn ngay trung tâm TP Hà Tĩnh, quán bún bò Huế của bà chủ Đặng Thị Cẩm Hương dù khai trương chưa lâu nhưng luôn tấp nập thực khách ghé thăm.

Từ sáng sớm, theo chân một số người bạn, tôi có mặt tại quán để thưởng thức hương vị Huế trong thời tiết se lạnh.

Ngó quanh không gian quán, ấn tượng với tôi là những tấm biển đỏ được dán ở các bức tường và đặt trên bàn ăn với nội dung “quý khách vui lòng không thanh toán hộ”.

Thấy tôi tò mò ngắm nghía tấm biển, anh bạn ngồi cạnh bảo: “Quán này không thu hộ, người ngồi ăn ở bàn nào thì tự trả tiền bàn đó”.

base64-17328658822911812881823.jpeg

Thực khách thưởng thức món bún bò Huế tại quán của bà chủ Cẩm Hương - Ảnh: LÊ MINH

Bà chủ Cẩm Hương cho biết quán bún bò Huế của gia đình ngoài tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm còn chú trọng đến cách hành xử trong ăn uống.

Thực khách khi đến quán vẫn đang có thói quen thanh toán hộ người khác là bạn bè, người quen không ngồi chung với bàn mình. Việc này nhiều lúc khiến chủ quán rất phiền.

Thậm chí có thực khách được trả tiền hộ nhưng vẫn khó chịu vì không muốn như vậy.

“Ngay từ ngày đầu khai trương quán chúng tôi đã dán những tấm biển không thanh toán hộ để thực khách đến ăn uống được tự nhiên, thoải mái và vui vẻ.

Thời gian đầu, một số thực khách vẫn nài nỉ được thanh toán hộ. Song khi chúng tôi nhất quyết từ chối thì họ cũng đành bằng lòng" - bà Cẩm Hương nói.

base64-17328617854601616033122.jpeg

Tấm biển không thanh toán hộ được bà chủ Cẩm Hương dán ở các bức tường trong quán - Ảnh: LÊ MINH

Anh Quốc Chính (ngụ TP Hà Tĩnh) là một thực khách thường xuyên lui tới quán cho biết TP Hà Tĩnh không lớn, vì vậy đối với những người quan hệ rộng hầu hết đều quen biết nhau.

Khi vào quán ăn gặp người quen nếu mình không thanh toán hộ cảm thấy khá áy náy, đó là chưa kể người được trả tiền hộ họ cũng không vui vẻ.

“Có nhiều trường hợp đến quán ăn rồi mới gặp nhau, khi ăn xong lại tranh nhau trả tiền tạo nên hình ảnh không đẹp.

Hơn nữa, việc tranh nhau trả tiền cũng gây khó xử cho chủ quán bởi họ không biết nhận tiền từ người nào” - anh Chính nói thêm.

Lăn tăn về quy định "lạ"

Trước đó, "Một quán ăn có quy định 'lạ': Không cho trả tiền giùm bàn khác" tại Quảng Bình cũng thu hút sự chú ý của nhiều bạn đọc.

Bạn đọc tieu****@gmail.com chia sẻ: "Tôi bán quán nên biết lý do chuyện này: Do khách quen nên hay trả giùm nhau.

Dần dần nhiều người được trả thì ngại không đến ăn nữa, còn người trả thì cũng sợ tốn kém nên cũng không thấy luôn. Chủ quán thế là mất khách".

Tài khoản thie****@gmail.com "rất ủng hộ quy định của chủ quán. Tôi đã phải bỏ rất nhiều quán ăn ưa thích, vì hay được người quen trả tiền bữa sáng.

Ăn xong, thanh toán tiền, chủ quán nói có người trả rồi, làm mình trở thành mắc nợ.

Không mời lại được ai đó thì áy náy. Không lẽ bữa ăn, ly cà phê không lo cho mình được".

Theo bạn đọc Đạt: "Có thể lúc đầu thực khách hơi bỡ ngỡ nhưng xem ra đây là cách làm hay. Chứ địa phương có bấy nhiêu người, quen mặt nhau cả, nên gặp nhau không "bao" thì ngại, trả hoài "càng ngại" hơn.

Giờ có lý do "quán không cho trả" thì hợp lý. Ai thực sự muốn trả thì qua chung bàn".

Tuy nhiên, bạn đọc vant****@gmail.com đặt vấn đề: "Tại sao phải ái ngại khi không trả tiền giùm bàn người quen, biết họ có cần mình trả không? Đã đi ăn sáng thì người ta có chuẩn bị tiền rồi, ai cần người khác trả thay".

Trong khi đó, bạn đọc Da Nang bày tỏ: "Riêng tôi đi ăn gặp người quen mà thấy quen quá thì lâu lâu vẫn trả giùm bình thường, còn gặp miết thì thôi.

Còn người chỉ biết sơ thôi thì ăn xong chào tiếng rồi về. Họ cũng thừa biết là mình trả cũng ngại cho họ, mắc công "nợ miệng"".

Để khỏi lăn tăn về chuyện này, bạn đọc Nguyễn Gia có ý kiến: "Cứ ai vô ăn gọi món xong trả tiền trước là ổn thôi".

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020