Chuyên mục  


"Đó nên được coi là tín hiệu rõ ràng nhằm cảnh báo các quốc gia về hậu quả nếu tham gia cuộc tấn công vào đất nước chúng tôi bằng nhiều phương tiện khác nhau, không nhất thiết phải là vũ khí hạt nhân", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 26/9, khi nhắc đến những đề xuất điều chỉnh học thuyết hạt nhân mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trước đó.

Ông Peskov không đề cập đến Ukraine, nhưng lưu ý rằng lực lượng răn đe hạt nhân Nga đang được điều chỉnh do "các diễn biến căng thẳng dọc theo biên giới quốc gia", đồng thời khẳng định Nga tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình là "vấn đề không phải bàn cãi".

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Moskva hôm 5/7. Ảnh: Reuters

Tại phiên họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga hôm 25/9, Tổng thống Putin cho rằng nước này cần cập nhật học thuyết hạt nhân do tình hình chính trị và quân sự thế giới đang thay đổi liên tục. Ông đề xuất hàng loạt sửa đổi về học thuyết hạt nhân, trong đó có mở rộng danh sách "những mối đe dọa quân sự" nằm trong phạm vi áp dụng chính sách răn đe.

"Hành động hung hăng của một quốc gia phi hạt nhân, nếu có sự tham gia và hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân, sẽ bị coi là đòn tấn công chung nhằm vào Nga", ông Putin nói khi đề cập một trong những điều kiện cho phép Moskva đáp trả bằng vũ khí nguyên tử.

Ông chủ Điện Kremlin không nêu tên quốc gia cụ thể, song truyền thông Nga nhận định điều này nhắm đến trường hợp Ukraine, quốc gia phi hạt nhân, sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Cũng trong phiên họp, Tổng thống Putin nói rằng Mosvka sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu "nhận được thông tin đáng tin cậy" về một cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào Nga bằng "tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV), phi cơ chiến thuật và chiến lược, tên lửa siêu vượt âm và các vũ khí khác".

Việc ông chủ Điện Kremlin đề cập UAV được cho là động thái đáng chú ý, do Ukraine thường xuyên sử dụng loại khí tài này để tấn công mục tiêu trong đất Nga.

Các đề xuất hiện mới ở dạng dự thảo, cần được ông Putin thông qua trước khi có hiệu lực. Tổng thống Nga không nói khi nào sẽ phê duyệt những đề xuất này.

Đề xuất thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang thúc giục các đồng minh phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa có kết quả vì các nước lo ngại căng thẳng có thể leo thang hơn nữa.

Học thuyết hạt nhân hiện hành của Nga được thông qua năm 2020, trong đó quy định 4 trường hợp Moskva có thể sử dụng vũ khí nguyên tử.

Thứ nhất là nếu Nga nhận được "thông tin đáng tin cậy" rằng tên lửa đạn đạo đã được phóng về hướng nước này hoặc đồng minh. Trường hợp thứ hai là khi vũ khí hạt nhân hoặc các loại khí tài hủy diệt hàng loạt khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc đồng minh.

Tiếp theo là trường hợp kẻ thù có hành động nhằm vào "cơ sở quân sự, nhà nước quan trọng", có thể làm gián đoạn năng lực phản ứng của lực lượng hạt nhân. Cuối cùng là kịch bản Moskva bị tấn công bằng vũ khí truyền thống có khả năng đe dọa đến tồn vong quốc gia.

Vũ Hoàng (Theo RT, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020