Chuyên mục  


"Chúng tôi nhận định rằng Oreshnik không phải yếu tố thay đổi cục diện trên chiến trường, mà chỉ là một nỗ lực khác của Nga nhằm gây áp lực lên Ukraine, và điều này chắc chắn sẽ thất bại", một quan chức Mỹ giấu tên hôm nay nói, dẫn đánh giá tình báo của Mỹ.

Theo quan chức này, Nga sẽ tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik vào Ukraine "trong những ngày tới", dường như để đáp trả cuộc tập kích vào lãnh thổ Nga hôm nay của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/12 cho biết Ukraine đã phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS vào sân bay quân sự Taganrog thuộc vùng Rostov, trong đó hai quả bị hệ thống phòng không Pantsir bắn rơi, số còn lại "bị phá hủy bằng tác chiến điện tử".

Dù vậy, quyền Thống đốc vùng Rostov Yuri Slyusar cho biết tên lửa Ukraine đã bắn trúng cảng Taganrog, gây hư hại một cơ sở công nghiệp và 14 chiếc xe.

"Cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất này chắc chắn sẽ bị đáp trả bằng biện pháp phù hợp", Bộ Quốc phòng Nga cho biết, dường như ám chỉ việc khai hỏa tên lửa Oreshnik.

Mảnh vỡ tên lửa đạn đạo Oreshnik được trưng bày tại Ukraine hôm 24/11. Ảnh: AP

Nga lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik vào thành phố Dnipro, Ukraine, hôm 21/11, động thái được Tổng thống Vladimir Putin coi là phản ứng trước việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo ATACM của Mỹ và tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp tấn công lãnh thổ Nga sau khi phương Tây cho phép.

Tổng thống Putin từng nói Nga có thể sử dụng Oreshnik một lần nữa, trong đó có cả khả năng tấn công vào "các trung tâm đầu não" ở Kiev, nếu Ukraine tiếp tục tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây.

Ông tuyên bố Oreshnik không thể bị đánh chặn và nó có sức hủy diệt tương đương vũ khí hạt nhân, ngay cả khi được trang bị đầu đạn thông thường.

Một số chuyên gia phương Tây cho biết tính năng mới của Oreshnik là nó mang theo nhiều đầu đạn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu khác nhau cùng lúc, điều thường thấy ở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa hơn.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ giấu tên đã hạ thấp năng lực thực tế của tên lửa Oreshnik, gọi chúng là vũ khí "thử nghiệm" về bản chất và nói rằng "Nga có thể chỉ sở hữu rất ít" loại tên lửa này.

Ông cũng cho hay Oreshnik mang theo đầu đạn nhỏ hơn những tên lửa khác mà Nga đã triển khai ở Ukraine.

Washington cho biết thêm nhiều gói thiết bị phòng không của Mỹ sẽ được chuyển đến Ukraine trong thời gian tới.

Xung đột Ukraine đang bước vào thời kỳ mà một số quan chức Nga và phương Tây cho rằng có thể là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất, khi lực lượng Nga đang tiến quân với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng tới, đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn và đàm phán để chấm dứt giao tranh nhanh chóng, khiến cam kết ủng hộ lâu dài của Washington dành cho Kiev bị hoài nghi.

Vũ Hoàng (Theo AP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020