Chuyên mục  


Khoảng ngân sách viện trợ 8 tỷ USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hôm nay, nhân chuyến thăm của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Phần lớn khoản viện trợ, trị giá hơn 5,5 tỷ USD, được triển khai theo Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), đạo luật cho phép chính phủ Mỹ rút trực tiếp vũ khí trong kho để chuyển cho đối tác trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua. Động thái này nhằm giải ngân số tiền còn lại trong ngân sách hỗ trợ Kiev theo PDA, dự kiến hết hạn vào cuối tháng 9.

2,4 tỷ USD còn lại thuộc Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép chính quyền Mỹ mua vũ khí từ các công ty thay vì rút chúng khỏi kho dự trữ của quân đội.

Tổng thống Zelensky thăm nhà máy đạn pháo ở Pennsylvania, Mỹ, ngày 22/9. Ảnh: Reuters

Đợt viện trợ cũng đánh dấu lần đầu Mỹ cung cấp cho Ukraine bom lượn dẫn đường chính xác JSOW với tầm bay 130 km. Chúng được cho là có thể giúp tiêm kích Ukraine cải thiện khả năng tấn công mục tiêu của Nga và hạn chế nguy cơ bị phòng không đối phương bắn hạ.

Tổng thống Biden không đề cập khả năng cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tập kích các mục tiêu nằm sâu trong đất Nga, nhưng nhấn mạnh hỗ trợ Kiev luôn là ưu tiên của Washington. "Đó là lý do tôi tuyên bố tăng cường viện trợ an ninh cho Ukraine cùng một loạt hành động bổ sung khác để giúp nước này giành chiến thắng trong cuộc xung đột", ông nói.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết gói viện trợ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm hệ thống phòng không, thiết bị bay không người lái (drone) và vũ khí không đối đất, cũng như củng cố nền công nghiệp quốc phòng Ukraine và hỗ trợ các yêu cầu bảo trì, bảo dưỡng của nước này.

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tân trang và cung cấp cho Ukraine thêm một hệ thống phòng không Patriot và nhiều tên lửa. Tổng thống Biden cũng lệnh cho Lầu Năm Góc mở rộng chương trình đào tạo phi công F-16 Ukraine, trong đó đặt mục tiêu huấn luyện thêm 18 phi công vào năm tới.

Tổng thống Zelensky cảm ơn ông Biden và quốc hội Mỹ về gói viện trợ quân sự mới, khẳng định Kiev sẽ sử dụng nó "theo cách hiệu quả và minh bạch nhất".

Mỹ là bên hậu thuẫn Ukraine mạnh mẽ nhất trong xung đột. Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp cho Kiev khoảng 175 tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự kể từ đầu chiến sự.

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu cựu tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử ngày 5/11. Ông Trump hồi tháng 6 cho rằng Ukraine đang "xin viện trợ không có điểm dừng" và dọa sẽ chấm dứt tình trạng này ngay khi đắc cử.

Trong cuộc tranh luận với Phó tổng thống Kamala Harris hôm 10/9, ông Trump không trả lời khi được hỏi liệu có muốn Ukraine giành chiến thắng hay không, mà chỉ nói sẽ tìm cách chấm dứt xung đột thông qua đàm phán. Giới quan sát nhận định điều này cho thấy ông sẽ không đối đầu Nga nhiều như chính quyền đương nhiệm nếu đắc cử.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020