Chuyên mục  


Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hôm 23/9 công bố video cho thấy vũ khí dẫn đường đánh trúng một ngôi nhà, khiến tên lửa hoặc rocket cất giấu bên trong bị kích hoạt và lao trúng công trình gần đó. Ở video thứ hai, vật thể được cho là "tên lửa hành trình DR-3" xuất hiện bên trong căn nhà khác, ngay trước khi nó bị tấn công.

"Hezbollah sở hữu kho tên lửa và rocket khổng lồ, nhưng đây là lần đầu tiên có hình ảnh một chiếc Tu-143 được họ hoán cải thành tên lửa hành trình", biên tập viên Howard Altman và Tyler Rogoway viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.

Truyền thông Israsel cho biết DR-3 được hoán cải từ máy bay không người lái (UAV) trinh sát Tu-143 Reis do Liên Xô sản xuất.

hezbollah-co-the-hoan-cai-uav-lien-xo-thanh-ten-lua-hanh-tri-1727142739.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lAANYTZJOqMLxCP0oflW9A
Israel không kích vị trí nghi là nơi Hezbollah giấu vũ khí

Israel không kích vị trí nghi là nơi Hezbollah giấu vũ khí trong video công bố ngày 24/9. Video: IDF

Liên Xô phát triển Tu-143 vào đầu thập niên 1970, đây được coi là phiên bản thu nhỏ của dòng UAV trinh sát Tu-141. Khoảng 950 chiếc Tu-143 đã xuất xưởng trong giai đoạn 1973-1989. Mỗi phi cơ dài hơn 8 m, khối lượng cất cánh 1,2 tấn, có tầm bay khoảng 300 km, trần bay 5.000 m và tốc độ tối đa 950 km/h.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga phát triển và chế tạo một số biến thể Tu-143 mới, trong đó có Tu-243 với tầm bay xa gấp đôi và Tu-300 trang bị cảm biến hiện đại. Quân đội Nga dùng các biến thể Tu-143 làm mục tiêu tập bắn cho tới năm 2016.

Loại phi cơ này không cần đường băng để cất cánh, mà được lắp tầng đẩy sơ tốc dùng nhiên liệu rắn để xuất phát từ bệ phóng cố định hoặc di động. Nguyên bản Tu-143 mang dù để thu hồi sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về căn cứ, song thiết bị này được gỡ bỏ khỏi các mẫu máy bay hoán cải thành tên lửa.

Tu-143 nguyên bản sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, song biến thể tên lửa hành trình có thể trang bị thêm hệ thống định vị vệ tinh bằng cách lắp bộ thu phát tín hiệu và ăng-ten dân dụng.

Ngoài ra, cảm biến quang học và đường truyền dữ liệu với đài điều khiển của Tu-143 cũng có thể biến nó thành đạn tuần kích, cho phép kíp vận hành tìm kiếm, lựa chọn mục tiêu trước khi ra lệnh cho quả đạn lao xuống.

Chưa rõ thời điểm Hezbollah bắt đầu sở hữu loại tên lửa này, cũng như liệu họ được chuyển giao máy bay Tu-143 nguyên bản để tự hoán cải hay tiếp nhận tên lửa hoàn chỉnh.

Minh họa tên lửa DR-3 do quân đội Israel công bố. Đồ họa: IDF

Yaakov Lappin, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Alma ở Israel, nhận định Hezbollah có thể nhận tên lửa DR-3 từ Syria. Đây là đồng minh chủ chốt của nhóm vũ trang Hezbollah và từng được Liên Xô chuyển một số biến thể của dòng Tu-143 từ năm 1984.

"DR-3 là vũ khí tấn công chiến thuật không cần đường băng hay hạ tầng phức tạp để vận hành, do đó chúng là vũ khí hấp dẫn đối với Hezbollah và các nhóm dân quân khác", ông nói.

Theo IDF, tên lửa DR-3 mang được đầu đạn nặng khoảng 300 kg và tầm bắn tới 200 km, lớn hơn đáng kể so với phần lớn rocket và tên lửa mà Hezbollah sở hữu. Loại vũ khí này khiến Hezbollah có thể tập kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Israel, bao gồm cả thành phố Tel Aviv.

Tên lửa hành trình như DR-3 thường bay chậm và có uy lực kém hơn tên lửa đạn đạo, nhưng khả năng bay thấp và thay đổi hành trình khiến loại vũ khí này dễ xâm nhập lỗ hổng trong lưới phòng không đối phương, gây khó khăn cho nỗ lực đánh chặn.

Một chiếc Tu-143 Ukraine rời bệ phóng trong cuộc diễn tập năm 2008. Ảnh: BQP Ukraine

Hezbollah không phải lực lượng duy nhất hoán cải Tu-143 thành tên lửa. Ukraine nhiều lần sử dụng những chiếc Tu-143 hoán cải để tập kích lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea. Tuy nhiên, loại tên lửa này tồn tại một số hạn chế, như độ chính xác thấp và kích thước lớn, dễ bị phòng không đối phương bắn hạ nếu lộ diện trên radar.

"Các kỹ thuật gây nhiễu tín hiệu GPS và tác chiến điện tử cũng có thể vô hiệu hóa khả năng dẫn đường chính xác của tên lửa, khiến nó lao xuống đất và không đến được mục tiêu", Lappin nói.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, TWZ)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020