Trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin hôm 22/11, tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga Sergei Karakayev khẳng định tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik có thể tấn công mọi mục tiêu trên khắp châu Âu. "Điều đó tạo nên khác biệt so với những loại vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa khác", ông nói.
Viktor Litovkin, cựu đại tá Nga và hiện là nhà phân tích quân sự, nói với hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu rằng đòn tấn công đã giúp Moskva phát thông điệp mạnh mẽ đến Washington và đồng minh về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia.
"Tốc độ Mach 10 của quả đạn, tương đương gần 11.000 km/h, khiến phương Tây không có biện pháp nào để đánh chặn. Động năng trong quá trình hồi quyển với tốc độ siêu vượt âm cũng giúp đầu đạn xuyên phá các công trình kiên cố, biến nó thành vũ khí phù hợp để đối phó những mục tiêu chiến lược", ông nói.
Ngôi nhà bị hư hại tại thành phố Dnipro sau đòn tập kích tên lửa của Nga hôm 21/11. Ảnh: AFP
Các quan chức Nga không đề cập trực tiếp đến tầm bắn của Oreshnik, nhưng khẳng định nó là tên lửa đạn đạo tầm trung, loại vũ khí có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 1.000-3.000 km. Trong khi đó, Ukraine gọi đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), còn Mỹ nhận định Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM), có tầm bắn tối đa 3.000-5.500 km.
Ilya Kramnik, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primakov, thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, cho biết chương trình phát triển tên lửa Oreshnik đã được Moskva giữ bí mật tuyệt đối cho đến khi diễn ra vụ tập kích Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash) tại Dnipro, miền trung Ukraine, hôm 21/11.
"Có thể cho rằng đây là mẫu IRBM mới của Nga, tức là mức trên của tên lửa tầm trung và dưới ICBM. Tên lửa được trang bị nhiều đầu đạn tự dẫn", chuyên gia này cho biết, đồng thời nhận định đây có thể là biến thể tên lửa RS-24 Yars được cắt bớt một tầng đẩy để hạn chế tải trọng đầu đạn và tầm bắn.
Theo Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), tên lửa Oreshnik mà Nga phóng vào thành phố Dnipro mang theo 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn lại chứa 6 đầu đạn con. Thời gian bay của tên lửa từ lúc phóng ở khu vực Astrakhan đến Dnipro là 15 phút, với tốc độ ở pha cuối là trên Mach 11 (khoảng 13.600 km/h).
Video hiện trường cho thấy các đầu đạn của Oreshnik lao xuống mục tiêu với tốc độ cực cao, tạo thành những chớp sáng liên tục, nhưng không xuất hiện vụ nổ lớn nào.
Hãng tin RIA Novosti của Nga nêu giả thuyết tên lửa chỉ dùng đầu đạn mô hình để thử nghiệm, nhưng động năng của chúng vẫn đủ sức gây thiệt hại cho mục tiêu. Một khả năng khác là tên lửa được trang bị đầu đạn xuyên phá, nhằm đánh sập mạng lưới hầm ngầm dày đặc bên dưới nhà máy Yuzhmash.
Khoảnh khắc đầu đạn tên lửa Nga lao xuống thành phố Dnipro sáng 21/11. Video: X/Gerashchenko_en
Ông Litvokin khẳng định Moskva từng áp dụng biện pháp này trong xung đột, điển hình là vụ phóng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal nhằm vào kho vũ khí dưới lòng đất tại tỉnh Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine, hồi tháng 3/2022. "Quả đạn đã xuyên qua các lớp đất và bê tông, phá hủy hoàn toàn nhà kho nhờ động năng", ông nói.
Chuyên gia Nga nhấn mạnh tên lửa Oreshnik sẽ không được triển khai để tập kích các mục tiêu mang tính chiến thuật gần tiền tuyến, mà chỉ nhằm vào địa điểm chiến lược ở hậu phương như cơ sở công nghiệp quan trọng, sở chỉ huy và kho đạn lớn của Ukraine.
"Luật quân sự quy định chi phí của vũ khí phải tương xứng với tầm quan trọng của mục tiêu. Tên lửa Oreshnik rất đắt đỏ, nên tấn công vào cứ điểm kiên cố ở tiền tuyến là vô nghĩa và thiếu khôn ngoan", ông nói.
Bất chấp uy lực của tên lửa Oreshnik, cựu đại tá Nga nhận định nó sẽ không thể khiến phương Tây thay đổi lập trường về xung đột, vì Mỹ và đồng minh "vẫn cảm thấy an toàn khi có thể chống lại Nga thông qua Ukraine, không phải trực tiếp tham chiến".
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/11 tuyên bố Nga đòn tập kích bằng tên lửa Oreshnik nhằm đáp trả vụ Ukraine dùng tên lửa ATACMS và Storm Shadow do phương Tây cung cấp để tấn công tỉnh Kursk và Bryansk.
Tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ
Ông chủ Điện Kremlin ngày 22/11 tuyên bố Nga sẽ đưa tên lửa Oreshnik vào sản xuất hàng loạt, đồng thời tiếp tục thử nghiệm loại vũ khí này. Tổng thống Putin cũng khẳng định Oreshnik là hệ thống vũ khí hoàn toàn mới, không phải phiên bản hiện đại hóa từ khí tài thời Liên Xô.
Giới chức Mỹ và một chuyên gia phương Tây nhận định Oreshnik được phát triển dựa trên thiết kế của tên lửa RS-26 Rubezh ra đời năm 2008, vốn được coi là phiên bản RS-24 Yars rút gọn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc vụ phóng tên lửa Oreshnik cho thấy Nga "không muốn hòa bình", kêu gọi các lãnh đạo thế giới phản ứng mạnh mẽ trước động thái trên.
Phạm Giang (Theo Anadolu, TASS, Reuters)