Chuyên mục  


Sau khi bố mất, gánh nặng học phí và sinh hoạt ở thành phố của em dồn lên vai mẹ.

Năm nay, Như vừa nhận tin được trường duyệt cho mượn gần 31 triệu đồng, tương đương 50% học phí một năm.

"Biết tin được duyệt, em và mẹ đều cảm thấy nhẹ nhõm. Học phí là nỗi lo lớn của em ngay từ lúc nhập học", Như nói.

Tương tự, Ngọc Phúc, sinh viên khoa Ngoại ngữ, cũng được mượn hơn 30 triệu đồng để đóng học phí kỳ đầu. Mắc bệnh dị dạng mạch máu bẩm sinh cộng với gia cảnh khó khăn, Ngọc Phúc đã từng tính đến việc nghỉ học.

"Mỗi khi đăng ký môn học, em luôn nghĩ về khoản học phí vì nhà còn có em trai đang học lớp 12. Có đôi lúc em đã chuẩn bị tinh thần có thể nghỉ học", Phúc chia sẻ.

Nữ sinh nói chương trình cho mượn học phí trong thời điểm bộn bề khó khăn đã cho em thêm hy vọng hoàn thành chặng đường đại học.

Đây là năm đầu tiên trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM (HUFLIT) triển khai chương trình cho sinh viên mượn tiền đóng học phí. Kinh phí thực hiện đến từ quỹ hỗ trợ sinh viên với khoảng 13 tỷ đồng mỗi năm.

Sinh viên mồ côi hoặc có hoàn cảnh khó khăn được mượn 30-50% số tiền học phí từ quỹ mà không phải trả lãi. Những năm sau, các em được duy trì chương trình nếu có học lực khá trở lên và trả 35% số tiền của năm trước. Trong vòng hai năm sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải trả toàn bộ số tiền đã mượn.

Phụ huynh, tân sinh viên đóng học phí tại trường Đại học Công thương TP HCM, tháng 8. Ảnh: HUIT

Với sự tài trợ của cựu sinh viên, doanh nghiệp hoặc trích từ nguồn thu, nhiều trường đại học thành lập các quỹ hỗ trợ cho sinh viên mượn tiền hoặc vay không lãi suất để trang trải học phí.

Tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, tất cả sinh viên có nhu cầu có thể tham gia chương trình vay ngân hàng không lãi suất do cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ-Bách Khoa (BKA) bảo lãnh.

Mức vay tối đa bằng học phí một kỳ, mỗi người được vay tối đa 4 lần. Hàng năm, sinh viên phải thanh toán lãi suất (6-8% một năm) cho ngân hàng. Khi trả nợ gốc, toàn bộ tiền lãi sẽ được quỹ BKA chuyển lại cho sinh viên. Thời gian hoàn trả là hai năm kể từ ngày vay.

Đại diện nhà trường cho biết việc sinh viên phải trả lãi cho ngân hàng trong thời gian vay nhằm tạo cho các em sự tự giác, trách nhiệm và biết quản trị tài chính cá nhân. Trong quá trình đó, nếu sinh viên có kết quả học tập từ 8/10, hoàn cảnh gia đình khó khăn, BKA sẽ chuyển 50% hoặc toàn bộ khoản vay thành học bổng. Từ khi triển khai vào năm 2021 đến nay, khoảng 950 em đã được hỗ trợ học phí bằng chương trình này.

"Nhà trường và cựu sinh viên đều muốn các em tự lập, dám vay tiền để đóng học phí từ đó nỗ lực học giỏi hơn. Do đó chương trình không đặt ra điều kiện gia cảnh", đại diện trường Đại học Bách khoa nói.

Đại học Kinh tế TP HCM đã hỗ trợ hơn 500 sinh viên nhờ chương trình tín dụng học tập từ năm 2016 đến nay. Sinh viên được bảo lãnh để vay ngân hàng với số tiền tối đa 45 triệu đồng trong thời hạn 3-6 tháng. 130 suất đầu tiên sẽ được trường chi trả lãi suất ngân hàng. Vượt số lượng này, trường xét duyệt theo một số tiêu chí riêng.

Từ năm 2020, Đại học Quốc gia TP HCM cũng có chính sách tín dụng riêng cho sinh viên các trường, khoa, phân hiệu trực thuộc thông qua Quỹ Phát triển.

Sinh viên có nhu cầu vay vốn được trường đề cử với ngân hàng. Quỹ Phát triển sẽ bảo lãnh khoản vay và trả lãi cho sinh viên từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp. Sinh viên được vay theo từng học kỳ, thường với mức bằng đúng học phí phải nộp (không vượt quá 20 triệu đồng). Sau khi đi làm, sinh viên trả nợ gốc, tối đa trong hai năm.

Để giảm áp lực học phí cho sinh viên, nhiều trường như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Kinh tế TP HCM, Hoa Sen, Gia Định, Hồng Bàng hợp tác với các ngân hàng đưa ra chương trình trả góp học phí không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Hạn mức tối đa là học phí trọn khóa 4 năm. Tuy nhiên, đại diện một số trường cho hay chương trình trả góp ít sinh viên được lựa chọn do vấn đề thủ tục và tâm lý e ngại của phụ huynh.

Ngoài sự hỗ trợ của các trường, sinh viên có thể tiếp cận chương trình vay vốn học tập thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền tối đa 4 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, chương trình này chỉ áp dụng cho những em mồ côi; gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Theo PGS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP HCM, việc hỗ trợ tài chính kịp thời giúp sinh viên giảm nỗi lo học phí, yên tâm trong vấn đề chi tiêu, quản lý thời gian học tập, làm việc vừa sức để có tiền trang trải sinh hoạt phí. Đây cũng là động lực để các bạn cố gắng học tập và trau dồi bản thân.

Dù phải giải quyết một số trường hợp nợ xấu, nhưng trường vẫn đang tìm thêm nguồn vốn vay với lãi suất 0% và tăng thời gian cho vay đến khi sinh viên ra trường, có việc làm.

Năm học 2024-2025, học phí đại học với tân sinh viên từ 10,6 đến 250 triệu đồng mỗi năm, mức phổ biến là 20-40 triệu.

Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020