Chuyên mục  


Tại tọa đàm "An toàn trường học nhìn từ gia đình, nhà trường và xã hội" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 12/4, PGS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định cách giáo dục trong gia đình có tác động rất lớn đến hành vi bạo lực của học sinh ngày nay.

Ông Nam cho biết, trước 5 tuổi, thông tin mang thông điệp, tính chất yêu thương, giá trị tôn trọng, hợp tác, các em chỉ tiếp cận được một phần. Thông tin mang tính chất tiêu cực, có những ứng xử không phù hợp, bạo lực, các em tiếp cận nhiều hơn gấp 30 lần. Ở giai đoạn 12 tuổi, tỷ lệ lượng thông tin trái chiều, tiêu cực được tiếp nhận qua nhiều môi trường còn lớn hơn. Nhưng trái lại, nhiều gia đình đã mắc những sai lầm trong giáo dục gây ảnh hưởng tiêu cực đến con. 

Ông chỉ ra, thứ nhất nhiều phụ huynh không đưa ra quy tắc, luật lệ để quản lý hành vi của con, không yêu cầu phải tham gia vào một số công việc hay tuân thủ nguyên tắc của gia đình. Vì vậy khi đến trường, học sinh có xu hướng "không có nguyên tắc". 

Thứ hai, nhiều phụ huynh không dành đủ thời gian để làm mẫu hành vi cho con. "Dạy kỹ năng chỉ qua lời nói thì không có hiệu quả mà cần hướng dẫn cho con phải làm thế nào và cung cấp điều kiện để trải nghiệm", ông Nam nói.

Thứ ba, với những em có tổn thương về sức khỏe tinh thần, bố mẹ không có thời gian nhận ra để hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Vì vậy, đứa trẻ cô đơn hơn. Khi có tình huống xảy ra, các con chỉ biết ứng xử bằng những kinh nghiệm mà mình đã quan sát được trên mạng xã hội và môi trường xung quanh - nơi có rất nhiều hình ảnh ảnh hưởng tiêu cực.

PGS Trần Thành Nam. Ảnh: VGP

Khi con đến giai đoạn vị thành niên, nhiều bố mẹ nghĩ rằng con đã lớn, phải tự chịu trách nhiệm về hành vi. Nhưng thực chất đó là giai đoạn con trẻ cần sự định hướng của bố mẹ nhiều nhất, là lúc các con khẳng định bản thân, muốn khám phá cái mới và làm những điều người khác không dám làm.

"Đây là lứa tuổi các em có nhiều vấn đề nhất, dễ bị tổn thương nhất, dễ bị kích động tham gia vào các vụ việc mang tính chất bạo lực. Vấn đề này có trách nhiệm của các bên, tuy nhiên trách nhiệm của gia đình vẫn là chính", ông Nam chia sẻ.

Khi được hỏi trẻ cần được hỗ trợ ra sao nếu sống trong gia đình có khuynh hướng bạo lực, ông Nam cho rằng phải có chính sách để bảo vệ các em. Nêu ví dụ ở nước ngoài, ông nói khi bố mẹ có hành vi bạo lực, các con sẵn sàng gọi cảnh sát để báo cáo vì chúng ý thức được quyền của mình và bố mẹ có thể phải chịu một số trách nhiệm. Còn khi con có hành vi bạo lực ở trường, bố mẹ cũng chịu trách nhiệm liên đới để đảm bảo con không tái phạm. Nếu lỗi còn xảy ra, bố mẹ thậm chí bị phạt tù.

Sau một số vụ bạo lực học đường vừa qua, ông Bùi Văn Linh (Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng mẫu số chung là xuất phát từ mâu thuẫn không được cha mẹ, người thân, các thầy cô giáo, bạn cùng lớp kịp thời nắm bắt, báo cáo lại cho những người có thẩm quyền để xử lý. Mâu thuẫn khi ngày càng lớn sẽ bùng phát thành bạo lực.

Theo ông Linh, từng hành vi, ánh mắt và sự hướng dẫn cụ thể của bố mẹ có ý nghĩa lớn, trực tiếp, trực diện đến hình thành hành vi, nhận thức, lối sống của con. Vì vậy, vai trò của cha mẹ cần được hiến định cụ thể hơn trong việc đồng thuận cách giáo dục với nhà trường và chịu trách nhiệm khi con em mình xảy ra các hành vi trong cơ sở giáo dục và ngoài xã hội.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020