Chuyên mục  


Hàng ngày, chị Nguyễn Thanh Tâm, nhân viên văn thư tại một trường THCS ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, ít khi về trước 18h. Chị cho biết văn thư ở các cơ quan thường giao nhận văn bản; quản lý và sử dụng con dấu, nhưng ở trường học thì khác.

Chị luôn bù đầu với các loại báo cáo, kế hoạch, quyết định, tờ trình, công văn, danh sách... Chị còn hỗ trợ ban giám hiệu, công đoàn hoàn thiện hồ sơ, thi đua, khen thưởng, điểm kiểm tra của học sinh hay quản lý các phần mềm. Có những đợt kiểm định, chị ở trường đến tận 23h.

"Toàn việc không tên", chị Tâm, 33 tuổi, nói.

Chị Tâm cho hay từng tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin, sau đó học thêm trung cấp văn thư. Trước khi được biên chế năm ngoái, chị nhiều năm dạy hợp đồng. Chị hiện hưởng hệ số lương 1,86, ngạch văn thư viên trung cấp, tổng lương hơn 4 triệu đồng một tháng.

"Đóng xong tiền cho hai con học mẫu giáo và lớp ba là hết tiền ăn", chị Tâm nói. "Cũng bỏ ra thời gian, công sức làm việc ở trường như mọi người nhưng thù lao của chúng tôi không tương xứng".

Nhân viên y tế nhà trường kiểm tra mắt cho học sinh trường Tiểu học Tân Phú, Bình Phước. Ảnh: Văn Trăm

Cùng công việc với chị Tâm, ông Nguyễn Thanh Sang, trường THPT Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM, đạt mốc 8 triệu đồng sau hơn 20 năm. Ông nói văn thư tưởng nhàn nhưng bận rộn suốt ngày, nhất là sau khi ngành giáo dục chuyển đổi số. Ngoài phụ trách giấy tờ, công văn đi đến từ các cấp, ông Sang phải đưa thông tin, văn bản lên hệ thống số để lưu trữ, đi họp với các cấp để nắm thông tin chỉ đạo của ngành.

"Giáo viên còn có tiết dạy, tiết nghỉ nhưng công việc văn phòng thì có mặt xuyên suốt, họp hành liên miên", ông chia sẻ.

Cả trường chỉ có một kế toán, chị Trần Thị Ngọc Thu ở trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, phải tính lương, chế độ cho toàn bộ đội ngũ, quản lý tài sản, mua sắm trong nhà trường và nhiều hồ sơ sổ sách. Căng thẳng nhất là những thời điểm phải báo cáo tài chính, quyết toán thuế.

Với trình độ cử nhân, chị được hưởng hệ số 3.33, tương đương mức lương 7,2 triệu đồng sau 12 năm làm việc. Cộng phụ cấp trách nhiệm 0,1%, mỗi tháng chị Thu có thêm hơn 200.000 đồng.

Chị Tâm, ông Sang và chị Thu hiện là những viên chức học đường nhưng không được hưởng các chính sách ưu đãi, phụ cấp như giáo viên (30-70% lương).

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn quốc có khoảng 246.800 người thuộc diện này, được gọi là viên chức chuyên ngành và chuyên môn dùng chung. Trong đó, 95.600 người trong biên chế, còn lại là hợp đồng.

Theo Nghị định 204 của Chính phủ, nhân viên trường học được hưởng lương theo hệ số 1,86-4,89, tương đương lương tháng 4,35-11,4 triệu đồng. Tùy vị trí công việc, họ cần có bằng trung cấp trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ phù hợp.

Cùng nhóm này nhưng nhân viên y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi 20%; kế toán, thủ quỹ, người phụ trách thiết bị thí nghiệm hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,1-0,2%. Nhân viên văn thư, thư viện, công nghệ thông tin không có phụ cấp.

Ở các cơ quan hành chính nhà nước khác, văn thư trong biên chế được hưởng phụ cấp công vụ 25%.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi một số chính sách, để nhân viên trường học hưởng phụ cấp nghề phù hợp với vị trí, việc làm, tương xứng với tính chất, mức độ đào tạo.

Nhân viên trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) lau chùi bàn ghế, chuẩn bị đón học sinh trở lại sau đợt dịch Covid-19 năm 2020. Ảnh: Mạnh Tùng

Có thêm phụ cấp hoặc chính sách hỗ trợ là mong mỏi từ lâu của nhiều nhân viên trường học. Chị Thu ở THPT Nguyễn Hữu Cầu nói may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì TP HCM chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức. Nếu hoàn thành tốtnhiệmvụ, mỗi quý chị có thể nhận khoảng 25 triệu đồng khoản này.

Cô Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, ủng hộ phương án nâng phụ cấp cho nhóm nhân viên trường học. Theo cô, họ là một phần quan trọng, hỗ trợ và duy trì hoạt động của các trường nhưng lâu nay ít được quan tâm, lương thấp, phụ cấp không đáng kể hoặc không có.

"Họ là nhóm yếu thế, ít tiếng nói ở trường", cô Mai nói.

Cô lấy ví dụ nhân viên kế toán biên chế có bằng cử nhân, nhận lương mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng đã là mức cao nhất của trường, còn nhân viên học vụ kiêm thủ quỹ chỉ 5 triệu. Trong khi đó, họ vẫn phải làm 44 tiếng một tuần, có mặt xuyên suốt ở trường, những hôm thứ 7 vẫn phải đi làm nếu trường có việc.

"Với khối lượng công việc như thế, họ không thể làm thêm gì bên ngoài. Lương 5-7 triệu làm sao sống tốt ở thành phố lớn", cô Mai nhìn nhận.

Ở Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng một trường tiểu học, đánh giá tuy không phải soạn bài hay đứng lớp như giáo viên nhưng nhóm này vẫn có nhiều hoạt động với học sinh như tư vấn tâm lý, y tế hay thư viện.

"Dù trực tiếp hay gián tiếp, họ cũng đóng góp trong quá trình giáo dục học sinh của nhà trường", ông nói. "Đề xuất của Bộ chính đáng và nhân văn, có tác động tích cực đến vận hành, chất lượng giáo dục".

Từng đi khảo sát, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cũng nhận thấy nhân viên trường học chịu "thiệt thòi". Cùng làm việc trong một môi trường, khi so sánh với lương giáo viên, họ thấy sự chênh lệch.

"Công đoàn đã kiến nghị để nhóm này được quan tâm nhiều hơn", ông cho hay.

Chị Thu cho biết lương thấp nhưng vẫn gắn bó vì môi trường nhiều trẻ nhỏ, vui vẻ nên dần dần không còn suy nghĩ đến chuyện ra doanh nghiệp làm. Còn chị Tâm bám trụ vì công việc ổn định.

"Chúng tôi mong có thêm phụ cấp hoặc chính sách hỗ trợ, dù ít nhưng là sự ghi nhận, động viên", chị nói.

Bình Minh - Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020