Chuyên mục  


base64-1686313843344483670197.png

TS Bùi Thanh Luân chia sẻ tại hội thảo về khoa học công nghệ chiều 9-6 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Chiều 9-6, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo "Phát huy vai trò của khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM".

Doanh nghiệp khoa học công nghệ "làm vì đam mê"

TS Bùi Thanh Luân - Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, Giảng viên Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp khoa học công nghệ dường như đang dừng lại ở "khẩu hiệu" hơn là thực tế.

Chẳng hạn, doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện vẫn rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay, hoặc chính sách thuế nhập khẩu hiện là rào cản.

Ông Luân dẫn chứng các doanh nghiệp khoa học công nghệ đặt mua các thiết bị từ nước ngoài để nghiên cứu máy móc nhưng bị áp thuế còn cao hơn mua máy mới. 

"Vậy nên nhiều người mới nói: Thôi dẹp, mua máy mới cho rồi. Nghiên cứu làm chi nữa?", ông Luân nói.

TS Bùi Thanh Luân khẳng định hơn 90 doanh nghiệp khoa học công nghệ tại TP.HCM đang gần như "làm vì đam mê", không phải vì tiền. Đối mặt với quá nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đều có nguồn thu không lớn.

Chỉ việc "nuôi" lực lượng nghiên cứu đã… hết tiền. "Tôi nghĩ doanh nghiệp khoa học công nghệ là doanh nghiệp đi đầu về nghiên cứu, mà bị bỏ "cù bơ cù bất" thì còn kêu gọi gì về nghiên cứu đây?", ông Luân nêu đầy trăn trở.

Thành lập những "trung tâm xuất sắc"

Ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết tổng chi của xã hội cho khoa học công nghệ của TP.HCM hiện ở mức cao nhất cả nước, chiếm 0,9% GRDP. Thành phố cũng dành nguồn đầu tư khoảng 2% ngân sách cho khoa học và công nghệ.

Dù vậy, ông Nguyễn Việt Dũng thông tin đầu năm 2023, Ngân hàng thế giới (World Bank) thống kê chi tiêu của nền kinh tế cho nghiên cứu và phát triển (R&D) năm qua của Việt Nam là 0,4% GDP. Con số này khá thấp so với các nước phát triển là từ 2-6% GDP, ở Singapore là khoảng 3,5% GDP, ở Hàn Quốc hay Israel là 5-6% GDP.

Ngoài ra, nhà nước thường chỉ chiếm từ 5-10% tổng chi tiêu cho khoa học công nghệ, còn lại thuộc về doanh nghiệp. Chỉ dựa vào nguồn vốn của nhà nước sẽ không đủ. 

Do vậy, theo ông Dũng, bài toán là thúc đẩy được sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển khoa học công nghệ thông qua các chính sách mở.

photo-1686305224855-1686305225036366901606.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngoài ra, giám đốc Nguyễn Việt Dũng cho biết hầu hết các công nghệ đang dẫn dắt thế giới đều được xây dựng từ một số các trung tâm nghiên cứu nhất định. Các trung tâm này có nguồn lực mạnh, thực hiện những dự án lớn, lâu dài.

Ngược lại, thực tế trong nhiều năm qua, các nhiệm vụ khoa học công nghệ mà TP.HCM hỗ trợ nghiên cứu cho các nhà khoa từ các trường viện thường rất rời rạc. Không hề có những dự án mang tính dài hơi 5-10 năm.

Vì thế, ông Dũng cho rằng, TP.HCM cần có những "trung tâm xuất sắc" để dẫn dắt phát triển khoa học công nghệ. Các "trung tâm xuất sắc" sẽ đảm nhiệm những nghiên cứu lớn, lâu dài, từ đó có thể sẽ làm chủ công nghệ.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồ Hải - phó bí thư Thành ủy TP.HCM - chỉ đạo trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM cần tập trung phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng.

"Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu sang doanh nghiệp, từ ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ thực tế. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng địa phương sẽ tạo ra một môi trường thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn", ông Hải nhấn mạnh.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020