Chuyên mục  


Là con nhà nòi sân khấu, hậu duệ của nghệ sĩ Lê Văn Khúc. Vào thời điểm bế tắc đầu ra, sân khấu kịch phía Bắc không còn sáng đèn hàng đêm, Lê Hùng trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất với tài năng, những “ngón nghề biến ảo” như một “sói già”, như một "phù thủy" của sân khấu. Song khi ông “dứt áo” với sân khấu, tâm thế đã không còn như xưa. Cũng giống như trong những vở kịch, "sói già", "phù thủy" chẳng bao giờ có được một cái kết có hậu.
 
Thầy “phù thủy” cứu nguy cho Nhà hát Tuổi Trẻ

Đạo diễn – NSND Lê Hùng từng là diễn viên giỏi nghề bậc nhất của Nhà hát Tuổi Trẻ, ông được trao Huy chương Vàng cho vai diễn Lý Tự Trọng (1982). Sau khi được cử đi học Đại học sân khấu quốc gia Maxtcơva (GITIS) trở về ông là một trong số ít những đạo diễn làm mới lạ sân khấu phía Bắc thập niên 90. Với “lối dàn dựng quyết đoán, thông minh, tài hoa và xuất thần trong bản lĩnh nghề ngiệp” (Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái) Lê Hùng đã cho ra đời trên dưới 300 vở kịch, 5 lần liên tiếp được trao tặng danh hiệu đạo diễn xuất sắc nhất ở hội diễn toàn quốc.

Đạo diễn - NSND Lê Hùng từng được mệnh danh là "sói già" của sân khấu kịch

Trong hàng trăm đứa con tinh thần ấy, không ít lần đạo diễn bị chê ẩu, non tay… Song không thể phủ nhận hầu như những vở diễn của ông không lặp lại nhau và rất nhiều vở giúp tên tuổi diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ tỏa sáng. Có thể kể đến những cái tên như Nhà Búp Bê, Lôi Vũ, Mac bet, Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mạc Tử,… Những tác phẩm được tạo nên từ phương pháp sáng tạo cực đoan, coi trọng thông điệp cốt lõi vở diễn hướng tới khán giả hơn câu chữ của kịch bản và sẵn sàng đưa vào những ước lệ của sân khấu cổ truyền.

Khó khăn nhiều hơn khi đạo diễn Lê Hùng lên làm giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát kịch Việt Nam khi sân khấu Bắc đang rơi vào tình trạng “thoái trào”. Khán giả ngần ngại mở hầu bao mua vé, diễn viên không mặn mà với ánh đèn sân khấu. Tài lãnh đạo của ông từng được đồng nghiệp và báo chí tung hô với những cải cách cơ cấu tổ chức, thuê thầy phong thủy thiết kế không gian nhà hát hay sự quan tâm đến đời sống của nhân viên,… Hơn cả ông cho dựng hàng trăm vở hài kịch phỏng theo hài kịch ngắn Trung Quốc: Đời Cười I,II, Sắc màu, Đời cười chọn lọc,… để những cái tên như Chí Trung, Vân Dung bừng sáng trên sân khấu hài kịch Bắc. Trước Lê Hùng, chưa bao giờ người ta dám nghĩ hài kịch mang lại doanh thu lớn đến vậy, có thể cứu nguy cho ngần ấy diễn viên trong nhà hát. Nói về Lê Hùng và sân khấu hài, NS Xuân Hinh từng nói trên báo: “Lê Hùng mà chết thì khéo em bỏ nghề luôn”.

Cảnh trong vở "Đời cười" ( Đạo diễn: NSND Lê Hùng)

Không dừng lại ở hài kịch, ĐD – NSND Lê Hùng đã hướng nhà hát đi bằng hai chân. Phải hài hòa giữa hài kịch, chính kịch và bi kịch, như một “con sói già tinh ma, quỷ quyệt” ông dựng hài kịch cười ra nước mắt mà bi kịch thì dữ dội không thể tiết chế. Những cái tên như Lê Khanh cùng hình tượng Nàng Nora (Nhà Búp Bê - Henrilz Ibsen), Anh Tú cùng vai diễn Macbeth (Macbeth - Shakespeare) tỏa sáng dưới bàn tay “phù phép” của đạo diễn.  Ông cứu nguy cho diễn viên nhà hát trong thời điểm khó khăn nhất của sân khấu kịch phía Bắc.

Cảnh trong vở "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử" (Đạo diễn: NSND Lê Hùng)
 
Khi “con sói già” không được một kết thúc có hậu

Bất ngờ vào 4/2012, NSND Lê Hùng Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam đã cho tổ chức lễ công bố sáp nhập hai nhà hát này và thành lập nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam với sự đồng ý của Bộ Văn hóa- Thể thao-Du lịch. Theo ông cho biết đây là cơ hội cho nhiều dự án mới được triển khai, sẽ làm kịch đặt hàng,… Song sau một tháng từ ngày ban bố, quyết định này lập tức bị thu hồi khi nhận sự phản ứng dữ dội từ phía các nghệ sĩ của hai nhà hát. Lúc này, người ta mới biết đạo diễn Lê Hùng không còn là “ông hoàng” trong mắt nhiều đồng nghiệp, học trò của chính mình.

Lúc này qua mặt báo, khán giả mới biết một Lê Hùng qua những lời chỉ trích, phê bình. Ông không còn là hình tượng oai hùng nữa mà thay vào đó là một lãnh đạo với trình độ trung bình, năng lực quản lý yếu kém và nhiều tính xấu. NSƯT Trung Anh đã từng nói, về những sai lầm của đạo diễn Lê Hùng khi đương chức như dựng vở không có tiền cho anh em nghệ sỹ hay thâu tóm mọi việc trong nhà hát. Căng thẳng hơn, NSND Lan Hương từng khẳng định trên báo, ông là hoàng đế ngốc nghếch luôn nghĩ mọi người không nhìn thấy gì, nhưng cả "triều đình" lại nhìn thấy tất cả. Ông giống như vị “hoàng đế cởi truồng” bi hài của sân khấu. Sức ép quá lớn từ phía anh em nghệ sĩ buộc Lê Hùng phải thừa nhận sai lầm rút về sống trong lặng lẽ...

Cảnh trong vở "Nhà búp bê" (Đạo diễn: NSND Lê Hùng)

Mới đây, trong một buổi tọa đàm về đạo diễn sân khấu tại liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp 2012, đạo diễn NSƯT Tuấn Hải không ngần ngại khẳng định: “Một thời gian dài ở nhà hát kịch Việt Nam, quyền dựng vở nằm trong tay lãnh đạo. Đạo diễn trẻ không có cơ hội thể hiện mình”. Hay “Có những vở đạo diễn Lê Hùng bỏ công đầu tư song vẫn nhiều lỗi”… Liên hoan sân khấu kịch vừa qua, đạo diễn Lê Hùng không còn dựng gần chục vở như những mùa liên hoan trước. Vậy mới thấy, “con sói già” oai phong của sân khấu kịch thuở nào không còn chỗ đứng như xưa nữa.

Quyết định nghỉ hưu vừa công bố với đạo diễn- NSND Lê Hùng có lẽ là cái kết cuối cùng cho khoảng thời gian ông lặng lẽ rời xa sân khấu sau việc sáp nhập hai nhà hát. Với sân khấu, Lê Hùng đã nhận một cái kết khá bẽ bàng cho cuộc đời lao động nghệ thuật đầy vinh quang và nước mắt.
 
Nha Trang

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020