Chuyên mục  


Ngày 4.8, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 mất 37 cent, tương đương 0,9%, về 40,64 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 10 mất 40 cent, về 40,91 USD/thùng. Tương tự, dầu Brent hợp đồng giao ngay cũng mất 43 cent, tương đương gần 1%, về 43,72 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 10 mất 44 cent, về 43,71 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu thô tương lai đã tăng mạnh vào ngày thứ Hai (3.8), dầu WTI tăng 74 cent (1,8%) lên 41,01 USD/thùng; dầu Brent tăng 63 cent (1,5%) lên 44,15 USD/thùng sau thông tin Viện quản lý nguồn cung của Mỹ công bố chỉ số sản xuất tăng từ 52,6 tháng trước lên 54,2 trong tháng 7. Chỉ số sản xuất đạt trên mốc 50 cho thấy có sự mở rộng sản xuất trở lại. Tuy nhiên, niềm hân hoan đó không được kéo dài khi Mỹ cảnh báo đại dịch đã bước sang giai đoạn mới, lan nhanh mạnh hơn gây áp lực trở lại với giá dầu.
Bên cạnh đó, loạt thông tin các nước OPEC nới lỏng sản lượng, chỉ giảm 7,7 triệu thùng/ngày (mức giảm cũ là 9,7 triệu thùng/ngày) trong tháng này và kéo dài đến cuối năm nay, cộng với việc Ả Rập Xê Út được dự đoán sẽ thực hiện đợt cắt giảm giá bán với thị trường châu Á vào tháng tới khi sự phục hồi dầu mỏ chững lại đang gây sức ép cho các công ty lọc dầu châu Á. Một khảo sát của Reuters thực hiện với 5 nhà máy lọc dầu châu Á cho thấy, ngành này mong đợi Ả Rập Xê Út sẽ giảm giá dầu thô khi bán sang châu Á trong tháng 9 xuống trung bình 0,61 USD/thùng. Còn khảo sát của Bloomberg với 8 thương nhân và nhà máy lọc dầu châu Á cũng cho thấy những kỳ vọng tương tự, với dự báo trung bình giá dầu sẽ được giảm 0,48 USD/thùng. Bình luận trên Reuters, nhiều ý kiến cho rằng, sự phục hồi nhu cầu xăng dầu đang “loạng choạng”, khó lường.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất nước là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có báo cáo tài chính hợp nhất ghi nhận lãi ròng 677 tỉ đồng trong quý 2/2020, giảm bớt số lỗ lũy kế từ đầu năm đến hết quý 2 của doanh nghiệp xuống còn 1.216 tỉ đồng. Trong quý 1, việc trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định lên đến 1.500 tỉ đồng đã kéo mức lỗ ròng của Tập đoàn này lên mức lịch sử với gần 1.900 tỉ đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm mạnh, đặc biệt trong quý 2. Tồn kho quý 2 tăng đến 32% lên mức 8.911 tỉ đồng tính đến cuối tháng 6, trong đó, trích lập dự phòng 148 tỉ đồng. Từ đầu quý 2, giá xăng giảm mạnh nhưng cuối quý tăng, giúp doanh nghiệp giảm bớt lỗ trong 2 quý đầu năm. Trong quý 2, doanh thu thuần của Petrolimex đạt 26.709 tỉ đồng, giảm 46% so cùng kỳ và thấp hơn cả quý 1. Công ty báo lãi ròng 677 tỉ đồng, giảm 43%. Mức lợi nhuận này nếu so với dự tính trước đó của doanh nghiệp tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 là cao gấp đôi. Trước đó, ước tính của ban điều hành Petrolimex đưa ra tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 lãi ròng đạt khoảng 350 tỉ đồng.
Tại thị trường trong nước, giá xăng hôm nay (4.8) theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex là xăng E5 RON92 giá 14.409 đồng/lít; xăng RON95 14.973 đồng/lít; dầu diesel 12.397 đồng/lít; dầu hỏa 10.279 đồng/lít.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020