Chuyên mục  


Trong hai buổi tọa đàm trực tuyến "Ai góp ý giơ tay lên" quy tụ nhiều người trong giới, vấn đề hợp tác quốc tế, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài, đưa phim đến các liên hoan, chợ phim, tăng hoạt động quảng bá được quan tâm. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng hợp tác quốc tế, mời gọi các hãng phim quốc tế thuê bối cảnh quay ở Việt Nam là cơ hội tốt góp phần quảng bá văn hóa, du lịch, hình ảnh Việt ra thế giới.

Việc có cơ hội làm việc trong các đoàn phim chuyên nghiệp quốc tế, có tính kỷ luật cao, theo một chuẩn mực mới giúp đội ngũ làm phim trong nước nâng cao được chuyên môn một cách nhanh và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngoài phim "Kong: Đảo đầu lâu" chọn bối cảnh tại Việt Nam và tạo được chú ý tầm quốc tế bởi việc này thì rất ít có dự án hợp tác đủ lớn nào khác.

Một trong những rào cản kìm hãm hoạt động hợp tác quốc tế, ngăn cản các dự án phim quốc tế đến Việt Nam là quy định buộc phải kiểm định kịch bản trước. Trên thực tế, trong những năm qua thủ tục này đã khiến rất nhiều đoàn phim quốc tế khi vào khảo sát ở Việt Nam ái ngại.

"Đến Việt Nam, họ chưa nhận được sự ưu đãi nào hay thế mạnh so với nơi khác thì phải trình bày kịch bản cho cơ quan quản lý thẩm định. Đây là nỗi sợ hãi chung của các đoàn phim quốc tế vì thời buổi cạnh tranh khốc liệt, kịch bản được xem là tài sản "bảo mật" của các hãng phim.

70% bối cảnh phim “Kong: Đảo đầu lâu” được quay tại Việt Nam với các thắng cảnh tại Quảng Ninh, Ninh Bình và Quảng Bình. (Ảnh do nhà phát hành CGV cung cấp)

Vì thế, dù muốn thực hiện phim tại Việt Nam nhưng họ quyết định dời sang các nước khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan… Những nơi này, họ được trải thảm đỏ chào đón" - nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết.

Trước đó, trong hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) ngày 7-9, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thông tin trong tham luận rằng các nước đa phần đều có chính sách miễn giảm thuế và chế độ nhập khẩu dành riêng cho đạo cụ phim trường để giúp các đoàn phim quốc tế giảm chi phí sản xuất tại các nước này.

Nhờ ưu đãi tài chính, thủ đô Budapest của Hungary trở thành một trong những địa điểm quay phim phổ biến nhất châu Âu. Hàn Quốc luôn đi đầu trong việc thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài, tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các cảnh quay tại đây. Malaysia hoàn tiền lên tới 30% chi phí sản xuất thực hiện tại nước này cho các đoàn làm phim nước ngoài và áp dụng cho các thể loại từ điện ảnh, truyền hình, tài liệu, hoạt hình, cho đến trò chơi điện tử trên nền tảng số.

Thái Lan hoàn thuế 15% cho đoàn làm phim nước ngoài chi tiêu trên 50 triệu baht tại Thái và thêm 5% nữa nếu sử dụng nhân công địa phương và quảng bá hình ảnh tích cực về nước này. Việt Nam ở thế bất lợi hơn trong việc cạnh tranh trở thành điểm đến cho các nhà làm phim quốc tế khi chưa có các biện pháp ưu đãi hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài.

TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - cho biết tất cả các nước trên thế giới xem hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ là lĩnh vực quan trọng để phát triển điện ảnh, theo đó có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác. Đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã và đang xây dựng các chương trình ưu đãi sản xuất phim ngày một hấp dẫn và hoàn thiện hơn, với mức ưu đãi trung bình 20% - 30% giá trị dự án phim. 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020