Chuyên mục  


Tối ngày 12/9, lễ hội “Dạ cổ hoài lang” Bạc Liêu 2016 chính thức khai mạc trong niềm cảm xúc của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu. Nhiều người cho rằng, ngay tên của lễ hội cũng đã khiến người ta có sự hoài niệm. Mà không hoài niệm sao được, khi hai chữ “Dạ cổ” đã nói lên được tất cả, đặc biệt là những ai quê ở Bạc Liêu- nơi “sản sinh” ra bài ca bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu- bản “Dạ cổ hoài lang”.

Nghệ sĩ thể hiện các bài hát nhịp 8 và nhịp 16 được biến đổi từ nhịp 2 của bản Dạ cổ hoài lang.

Ngoài phần lễ thì xuyên suốt phần hội, toàn bộ chương trình nghệ thuật của đêm khai mạc hầu như mang cái “vị” của nỗi buồn. Buồn trong từng bài hát, trong từng ca từ, từng hình ảnh,... nhưng không vì thế mà làm mất đi tính đặc sắc của nó, bởi các phần trình diễn đều hướng đến sự tôn vinh bản ca "vua", đã góp phần làm nên bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương nổi tiếng khắp 5 châu.

Nghệ sĩ Phượng Loan với bài vọng cổ "Qua Gành Hào nghe điệu hoài lang".

Tại đêm khai mạc, khán giả được nghe những bài hát được “biến đổi” nhịp từ bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, từ nhịp 2 lên nhịp 4, 8, 16, 32… của các nhạc sĩ như Lưu Hoài Nghĩa, Trần Tấn Hưng. Bản vọng cổ phổ biến ngày nay (6 câu, 32 nhịp) được phổ biến rộng rãi trong giới mộ điệu sân khấu cải lương, cho thấy giá trị nghệ thuật ban đầu của bản “Dạ cổ hoài lang” là bất tử.

Nghệ sĩ Ngọc Huyền với Độc thoại.

Không chỉ đờn ca tài tử, sân khấu cải lương mà nhiều bản tân nhạc cũng đã đưa những câu trong bản “Dạ cổ hoài lang” vào làm lời hát như Trở lại Bạc Liêu, Qua Gành Hào nghe điệu hoài lang,… Từ đó càng làm cho “đứa con tinh thần” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu có một giá trị “rực rỡ” trong nền nghệ thuật âm nhạc của đất nước.

Nghệ sĩ Lâm Ngọc Hoa trải lòng với "Trở lại Bạc Liêu".

Ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, qua gần một thế kỷ, bản Dạ cổ hoài lang đã tồn tại, thực sự khoe sắc, tỏa hương và lan khắp trong Nam ngoài Bắc. Ban đầu bản ca này chỉ có nhịp 2, dần dần được các nghệ nhân, nghệ sĩ Bạc Liêu cải tiến trở thành bản vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64… Số lượng câu từ 20 rút gọn lại còn 6 câu và hiện nay thường gọi là 6 câu vọng cổ nhịp 32. Có thể nói đây là thành quả sáng tạo nghệ thuật của người xưa đã phát triển và dựa vào sự kỳ diệu của bản Dạ cổ hoài lang, để bắt mạch, khơi nguồn cho dòng chảy vọng cổ xuyên suốt trong lịch sử âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Mỗi một giai đoạn phát triển, bản Dạ cổ hoài lang lại tự hoàn thiện mình, không ngừng thâm nhập sâu rộng trong lòng người mộ điệu. Từ khi ra đời, bản dạ cổ nhanh chóng trở thành bài ca chủ chốt trên sân khấu của lương và phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ từ những thập niên đầu thế kỷ 20 cho đến tận ngày nay.

"Đúng như GS.TS Trần Văn Khê đã từng nhận định, trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài nào, bản nào được như bản Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sinh ra từ đầu thế kỷ lớn lên sống mạnh và biến hóa muôn hình vạn trạng và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp 5 Châu", Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Bạc Liêu tự hào là nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang và cũng là một trong những nơi được xem “cái nôi” của đờn ca tài tử Nam Bộ, loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Từng câu hò điệu lý, từng cung bậc trữ tình của đờn ca tài tử đã thấm đậm vào đất và người Bạc Liêu, đã kết thành tình yêu nghệ thuật và từ tình yêu nghệ thuật đó, đã tạo nên biết bao thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng, với những sáng tác có giá trị, góp phần phát triển nền âm nhạc của dân tộc.

Hoạt cảnh tái hiện lại cuộc đời của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Vợ ra đi, ông buồn, thương nhớ vợ và đã cho ra đời bản "Dạ cổ hoài lang" vào năm 1919.Một số tiết mục múa hát tại đêm khai mạc.Quán quân "Solo cùng bolero" năm 2015 Lâm Ngọc Hoa thể hiện bài hát Trở lại Bạc Liêu.Màn múa minh họa bản "Dạ cổ hoài lang" khép lại chương trình.

Bản "Dạ cổ hoài lang".

Huỳnh Hải

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020