Chuyên mục  


Trong bài trả lời phỏng vấn sau khi được vinh danh giải chính - VinFuture 2024 trị giá 3 triệu USD cùng với 4 nhà khoa học khác, nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Hoa Fei-Fei Li, 48 tuổi, Đại học Stanford đã gợi ý Việt Nam đầu tư vào hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI).

Giáo sư Fei-Fei Li. Ảnh: VinFuture

Giáo sư Fei-Fei Li cho rằng, AI là công nghệ có thể chạm đến mọi lĩnh vực và cuộc sống. AI có thể thay đổi cách chúng ta làm việc và sống, từ hỗ trợ giáo viên làm việc hiệu quả hơn, nâng cao năng lực học tập của học sinh, đến giúp đỡ bác sĩ và y tá giám sát an toàn bệnh nhân, tóm tắt hồ sơ bệnh án, phát hiện thuốc mới. Bên cạnh đó, AI còn góp phần tối ưu hóa quá trình sản xuất năng lượng hay ứng dụng trong nông nghiệp... "Tôi cho rằng chúng ta cần nhận thức rõ về tiềm năng to lớn mà công nghệ này mang lại cho toàn nhân loại", bà nói, thêm rằng Việt Nam cần tận dụng lợi thế của công nghệ này.

Theo Giáo sư Fei-Fei Li, AI không chỉ dành cho nhóm nhỏ tinh hoa, vài công ty hay một số ít đất nước. Đây là công nghệ dành cho mọi người, ở khắp mọi nơi. "Tôi mong được thấy các quốc gia như Việt Nam đầu tư vào hệ sinh thái AI, bởi đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ngày nay", bà nói. Để làm được điều đó, cần tích hợp AI vào khu vực công, trong giáo dục, đặc biệt là từ cấp tiểu học đến trung học.

Ngoài ra, cần có nền văn hóa khởi nghiệp vững mạnh, chính sách kinh tế phù hợp để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong AI. Đồng thời, những biện pháp kiểm soát an toàn cần được triển khai để đảm bảo AI được áp dụng một cách có trách nhiệm, đặc biệt trong lĩnh vực ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của con người.

Bà nhìn nhận, AI là công nghệ toàn cầu. Các vấn đề như biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ đại dương và tính bền vững... cũng đều là thách thức toàn cầu. "Càng hợp tác, càng chia sẻ kiến thức và tài nguyên, chúng ta sẽ càng có lợi thế để cùng hướng tới tương lai thịnh vượng và tốt đẹp hơn", GS Li nói.

Giáo sư Fei-Fei Li là nhà khoa học có những đóng góp tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy tính và phát triển bộ dữ liệu ImageNet. Đây cũng là nghiên cứu giúp bà được vinh danh tại giải VinFuture 2024. Bốn nhà khoa học còn lại là GS Geoffrey Hinton, GS Yoshua Bengio và GS Yann LeCun là những người tiên phong trong nghiên cứu thuật toán học sâu cùng mạng nơ-ron (mạng thần kinh nhân tạo), ông Jensen Huang và Nvidia đóng góp trong lĩnh vực phần cứng máy tính đã đặt nền móng vững chắc cho tiến bộ AI.

"Tất cả là những mảnh ghép không thể thiếu giúp định hình bức tranh toàn cảnh về AI", bà nói. Bà thêm rằng VinFuture có lẽ là giải thưởng đầu tiên nhận ra và tôn vinh 3 yếu tố quan trọng trong sự phát triển của AI hiện đại. Đó là phần cứng, dữ liệu lớn và các thuật toán học sâu. Việc vinh danh các cá nhân đến từ cả 3 lĩnh vực đã khẳng định tầm quan trọng của sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố này.

Giáo sư Fei-Fei Li, sinh tại Thành Đô, Trung Quốc, sau đó chuyển đến Mỹ khi mới 15 tuổi. Bà học chuyên ngành vật lý, đồng thời học khoa học máy tính và kỹ thuật tại Đại học Princeton. Sự nghiệp học thuật của bà bắt đầu với vai trò là trợ lý giáo sư tại Đại học Illinois Urbana-Champaign và Đại học Princeton. Sau đó, bà gia nhập đội ngũ nhân viên tại Stanford vào năm 2009, trở thành phó giáo sư và giám đốc Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Stanford (SAIL).

Bà có hơn 300 bài báo được bình duyệt bao gồm cả AI, học máy, học sâu, thị giác máy tính và khoa học thần kinh nhận thức.

Công trình của GS Li là một ví dụ điển hình về tầm quan trọng của dữ liệu trong việc huấn luyện các hệ thống AI, ảnh hưởng đến cách tiếp cận thông qua dữ liệu được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Bằng cách mở rộng giới hạn mà máy móc có thể quan sát và diễn giải, công trình của bà đã thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực thị giác máy tính và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Minh Thư

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020